Cơ sở hạ tầng trạm sạc điện đầy đủ với công nghệ sạc an toàn và tiện lợi sẽ hỗ trợ việc sử dụng xe điện của người dân TP.HCM dễ dàng hơn, thúc đẩy giao thông vận tải thân thiện với môi trường.
Các trạm sạc mới trong những tòa nhà công cộng sẽ hỗ trợ phương tiện di chuyển xanh hiệu quả hơn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 26-9, trạm sạc ô tô điện công cộng nằm trong tòa nhà văn phòng Ngôi Nhà Đức, trụ sở của Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Đức tại TP.HCM (Deutsches Haus Ho Chi Minh City) đã được đưa vào hoạt động, phục vụ các khách hàng đang sử dụng xe điện ở tòa nhà.
Trạm sạc ô tô điện mới khánh thành cũng bổ sung cho cơ sở hạ tầng sạc xe đạp điện (E-bike) hiện có ở TP.HCM, mang đến giải pháp toàn diện cho người sử dụng xe điện, với 4 trụ sạc AC, công suất mỗi trụ 22kW.
Theo nhà đầu tư, các trạm sạc này có tính năng điều chỉnh công suất, kết nối điện thoại thông minh, và cho phép lên lịch sạc thông qua ứng dụng di động EV ONE, giúp người dùng dễ dàng bắt đầu quá trình sạc chỉ với một mã QR.
Các trụ sạc được trang bị nút dừng khẩn cấp và các biện pháp bảo vệ an toàn như chống sét và cảnh báo rò rỉ. Hệ thống chữa cháy tiên tiến và các giải pháp an toàn phòng cháy toàn diện giúp đảm bảo an toàn vận hành tối ưu.
"Sự ra mắt của trạm sạc ô tô điện thúc đẩy phương tiện di chuyển xanh, đồng thời góp phần vào việc hiện thực hóa mục tiêu Net-Zero của Việt Nam vào năm 2050", ông Elmar Dutt, tổng giám đốc của Deutsches Haus Ho Chi Minh Stadt, khẳng định.
Phủ trạm sạc xe điện công cộng ở bến xe: Phải có quy chuẩn chung, mở cửa cho các nhà đầu tưĐỌC NGAY
Sáng kiến này là minh chứng cho cam kết của Ngôi Nhà Đức trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và khuyến khích sử dụng các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường dành cho cư dân, khách thuê và khách tham quan.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, giám đốc điều hành Công ty EV ONE, cho biết để có thể đưa trạm sạc vào vận hành, EV ONE đã trải qua một quá trình đánh giá và kiểm tra vô cùng nghiêm ngặt.
Từ thiết kế, lựa chọn vật liệu, chất lượng thiết bị sạc, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đến khả năng vận hành, mọi yếu tố đều phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe mà Ngôi Nhà Đức đặt ra.
Việc khánh thành trạm sạc công cộng này sẽ góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam, hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thống kê cho thấy có khoảng 17.536 xe ô tô điện được tiêu thụ tại Việt Nam, bao gồm 17.482 xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 8 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến trạm sạc dùng cho xe điện và 3 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm.
Cơ sở hạ tầng sạc cho xe điện hoàn chỉnh bao gồm cơ sở hạ tầng điện, cơ sở hạ tầng điều khiển và liên lạc, cổng sạc và giắc cắm đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau.
Đăng thảo luận