Khi nào cần tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19?
(Dân trí) - Phần lớn người dân nước ta đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, thậm chí mũi 4 khá lâu, nghĩa là mới tiêm 1 liều nhắc lại. Hiện vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp.
Những thay đổi về khuyến nghị tiêm vaccine phòng Covid-19
Theo The New York Times, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ vừa cho phép thực hiện một đợt tiêm nhắc lại bổ sung cho người từ 65 tuổi trở lên cũng như những người có hệ miễn dịch kém. Nỗ lực này nhằm đảm bảo sự bảo vệ liên tục chống lại Covid-19.
Cụ thể, những người từ 65 tuổi trở lên chưa tiêm mũi nhắc lại thứ 2 trong ít nhất 4 tháng có thể tiêm một mũi khác. Đối với những người bị suy giảm miễn dịch, có thể tiêm 1 liều bổ sung vào thời điểm 2 tháng sau mũi cuối cùng.
Các dữ liệu hiện có tiếp tục chứng minh vaccine giúp ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng nhất của Covid-19, đó là bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
Các khuyến nghị mới nhất về tiêm vaccine phòng Covid-19 đều nhắm đến nhóm có nguy cơ (Ảnh minh họa: T.L)
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, chỉ 43% những người trên 65 tuổi tại Mỹ đã được tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19 và tỷ lệ này ở người từ 18 tuổi trở lên chỉ là 20%.
FDA cho biết họ dự định đưa ra quyết định về lịch tiêm vaccine được khuyến nghị cho những người dưới 65 tuổi sau cuộc họp tư vấn vào tháng 6.
Tương tự, khuyến nghị mới nhất của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ ra rằng liều tăng cường tiếp theo của vaccine Covid-19 hay mũi nhắc lại chỉ cần thiết cho nhóm nguy cơ cao. Mỗi quốc gia cần căn cứ trên tình hình dịch tễ của quốc gia mình để đưa ra quyết định cụ thể.
Với nhóm nguy cơ cao, SAGE khuyến nghị tiêm nhắc lại sau 6 hoặc 12 tháng kể từ liều cuối cùng, với khung thời gian tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác và tình trạng suy giảm miễn dịch.
Dù vậy, tổ chức này cũng nhấn mạnh các khuyến nghị này dành cho kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và có thể thay đổi.
Việt Nam: Tập trung bảo vệ các đối tượng nguy cơ cao
Tại Việt Nam, công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 hiện cũng nhắm đến bảo vệ các đối tượng nguy cơ cao. Trong đó, Bộ Y tế lưu ý các địa phương tăng cường công tác tiêm chủng để đạt mục tiêu đề ra.
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu vaccine phòng Covid-19 để tiêm 6 tháng cuối năm, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ.
Bộ Y tế cho biết, ca mắc mới Covid-19 trong ngày 19/4 tại nước đã tăng lên vượt mốc hơn 2.000 ca. Tương tự số bệnh nhân phải thở oxy cũng tăng lên 111 ca (báo cáo ngày 18/4 là 102 ca).
Trong ngày 18/4, cũng có 12.888 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm.
"Mục tiêu của vaccine là giảm nặng, nhập viện, giảm tử vong. Tuy nhiên, các nghiên cứu về miễn dịch trên các đối tượng đã tiêm 1,2,3,4 mũi vaccine đến nay còn chưa đầy đủ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi trong thời gian tới. Chúng ta sẽ rà soát để làm thế nào có khuyến cáo kịp thời và đúng thời điểm", GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết.
Phần lớn người dân Việt Nam tiêm 3 mũi (2 mũi cơ bản + một mũi nhắc lại). Một phần những người có suy giảm miễn dịch và cần tăng cường thêm miễn dịch cho một số vaccine thì tiêm 4 mũi (2 mũi cơ bản + một mũi bổ sung + một mũi nhắc lại).
Về mũi tiêm nhắc lại, theo hướng dẫn trước đó Bộ Y tế mới quy định tiêm một mũi sau 3 tháng để tăng cường miễn dịch.
- Nhóm ưu tiên cao sử dụng vaccine phòng Covid-19 gồm người cao tuổi, những người trẻ mắc các bệnh đi kèm nghiêm trọng (như tiểu đường, bệnh tim), những người có tình trạng suy giảm miễn dịch (như nhiễm HIV, người được ghép tạng..., kể cả trẻ em 6 tháng tuổi và lớn hơn), phụ nữ có thai và nhân viên y tế tuyến đầu.
Khuyến nghị tiêm nhắc lại sau 6 hoặc 12 tháng kể từ liều cuối cùng, với khung thời gian tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác và tình trạng suy giảm miễn dịch.
- Nhóm ưu tiên trung bình bao gồm người lớn khỏe mạnh (thường dưới 50 - 60 tuổi, không có bệnh đi kèm) và trẻ em và thanh thiếu niên có bệnh đi kèm. SAGE đề xuất các liều cơ bản và liều tăng cường đầu tiên cho nhóm ưu tiên trung bình.
- Nhóm ưu tiên thấp bao gồm trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh từ 6 tháng đến 17 tuổi. Liều cơ bản và liều tăng cường là an toàn và hiệu quả ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, xét đến gánh nặng bệnh tật thấp, SAGE kêu gọi các quốc gia đang xem xét tiêm chủng cho nhóm tuổi này nên đưa ra quyết định dựa trên các yếu tố hoàn cảnh, chẳng hạn như gánh nặng bệnh tật, hiệu quả chi phí và các ưu tiên về sức khỏe hoặc chương trình khác và chi phí cơ hội.
- Trẻ em có tình trạng suy giảm miễn dịch và mắc bệnh đi kèm phải đối mặt với nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng cao hơn, vì vậy được đưa vào các nhóm ưu tiên cao và trung bình tương ứng.
Dù thấp, nhưng gánh nặng do Covid-19 nghiêm trọng ở trẻ dưới 6 tháng tuổi vẫn cao hơn so với trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Vì thế, tiêm phòng cho phụ nữ mang thai, bao gồm cả liều bổ sung, nếu đã hơn 6 tháng trôi qua kể từ liều cuối cùng. Điều này giúp bảo vệ cả thai phụ và thai nhi, đồng thời giúp giảm khả năng trẻ sơ sinh phải nhập viện vì Covid-19.
(Theo khuyến nghị của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO)
Đăng thảo luận