Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) sẽ hỗ trợ không chỉ Việt Nam mà còn nhiều quốc gia đang phát triển khác hướng đến thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đưa ra trong buổi làm việc với bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam về nhóm đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) chiều 18/9 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long: Để triển khai hiệu quả Chương trình JETP, trước đó, Bộ Công Thương đã thành lập các Nhóm công tác chuyên trách với các nhiệm vụ riêng biệt, bao gồm: Nhóm 1 về phát triển điện gió ngoài khơi; Nhóm 2 phát triển trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo; Nhóm 3 liên quan đến hệ thống lưu trữ năng lượng; Nhóm 4 về lưới điện thông minh; Nhóm 5 tập trung vào Chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho chuyển dịch năng lượng; Nhóm 6 về chuyển dịch nhà máy nhiệt điện than; Nhóm 7 chuyên trách phát triển hydrogen xanh; Nhóm 8 là nhóm tổng hợp những dự án năng lượng đã được thông qua, nằm trong Quy hoạch Điện VIII và nhận được sự hỗ trợ JETP.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, thời gian qua, 8 Nhóm công tác đã tích cực làm việc và đóng góp những sáng kiến mới để triển khai hiệu quả Quy hoạch Điện VIII cũng như thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Đăng thảo luận