LTS: Cơn siêu bão Yagi (bão số 3) lịch sử đổ bộ vào các tỉnh Miền Bắc nước ta vào đầu tháng 9 vừa qua, kéo theo đó là trận lũ lịch sử 60 năm mới có một lần đã để lại những thiệt hại khủng khiếp cho những người nông dân nơi đây. Có người mất ít thì một vài trăm triệu, có người 2-3, rồi 5 tỷ đồng, thậm chí có nông dân còn mất tới 40 tỷ đồng. Tiền mất đã đành, tài sản tích cóp cả đời, từng vuông ao, dãy chuồng chăn nuôi cũng bị bão, lũ quét đi. Có những nông dân khóc nghẹn khi phải đi thu dọn từng con cá, con lợn chết sau lũ với một nỗi lo thăm thẳm: Sẽ gượng dậy thế nào đây, nợ nần rồi trả ra sao?
Trước thiệt hại của cơn bão, lũ này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống trước mắt. Song với cơn bão, lũ vượt tầm lịch sử này, nhiều nông dân vẫn có mong muốn có những chính sách hỗ trợ nhiều hơn, để ước mơ làm ăn của mình không còn dang dở.
Bài 1: Những "bàn tay" phật thủ... trôi theo dòng nước lũ, 300ha phật thủ của xã Đắc Sở chết khô
Vừa trở về nhà, chưa kịp cầm bát cơm, Oanh phải tức tốc lên vườn chạy lũ khi được tin nước sông Hồng dâng cao tràn vào lán và vườn phật thủ gần 1,5 ha. Tới nơi định di dời tài sản nhưng bất thành do nước chảy cuồn cuộn, cao quá đầu gối, cô cùng nhiều người hô hoán nhau "chạy đi không lũ cuốn chết bây giờ".
Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Oanh, 30 tuổi, thôn Chùa Ngụ (xã Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội) khi trở lại thăm vườn phật thủ tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) vào ngày 18/9. 5 ngày nước lũ sông Hồng rút đi, cả một vùng rộng lớn với màu xanh mướt của cây trái trở nên tan hoang, chết chóc như bị rải chất độc. Toàn bộ diện tích phật thủ của gia đình chị và các hộ xung quanh đều chết do ngâm trong nước lũ quá lâu, cây thối rễ, sau vài ngày cành lá đã héo khô.
Theo thống kê, tính đến ngày 17/9, khoảng trên 300ha phật thủ của người dân xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) bị thiệt hại hoàn toàn do mưa lũ. Ảnh: Minh Ngọc
Thảm họa lịch sử ở làng phật thủ lớn nhất Thủ đô
Đắc Sở là "thủ phủ" trồng phật thủ của Hà Nội. Không ai còn nhớ chính xác, nghề trồng phật thủ ở Đắc Sở xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết rằng, chính loài cây này đem lại ấm no cho người dân nơi đây. Mỗi năm, tổng doanh thu từ cây phật thủ mang về cho người dân Đắc Sở số tiền trên 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những thửa đất trồng loài cây này, sau khoảng 5 - 6 năm đều mắc một loại “bệnh” khiến người dân cũng như chính quyền "bó tay". Đó là tự dưng cây héo, gãy cành rồi chết, không thể trồng lại dù cải tạo đất tới vài năm.
Dù người Đắc Sở đã làm nhiều cách, mời hẳn các chuyên gia về để "bắt bệnh" nhưng... tất cả đều "bó tay". Bởi vậy, để duy trì nghề, người dân Đắc Sở đã bủa đi khắp nơi thuê đất trồng phật thủ.
Bà Đinh Thị Trang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sở cho biết, phật thủ là loài cây chỉ ưa đất tơi xốp, pha cát ven sông. Do không thể trồng trên mảnh đất của mình được nữa, người Đắc Sở đã thuê lại những diện tích ven sông Đáy, sông Hồng ở các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng để trồng phật thủ.
2 năm trước, vợ chồng Oanh thuê lại 1,5 ha đất ven sông Hồng của một hộ gia đình ở xã Hồng Hà với giá hơn 3 triệu đồng/sào để trồng phật thủ. Cây đang chuẩn bị cho thu hoạch vụ đầu tiên. Để bán được giá cao, chị dự tính dành lại những quả đẹp nhất sẽ tung ra thị trường vào dịp rằm tháng 8 và Tết Nguyên đán thì bất ngờ như một "tai họa" trên trời đổ xuống... nước lũ đã nhấn chìm đi tất cả.
Gần 1,5 ha phật thủ của chị Nguyễn Thị Oanh bị nước lũ nhấn chìm, thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Ảnh: Minh Ngọc
Chỉ trong 2 giờ, nước lũ dâng quá nhanh khiến Oanh và nhiều hộ trồng phật thụ ven bãi sông Hồng trở tay không kịp. Nhặt từng quả rụng, héo quắt trong vườn, Oanh không khỏi xót xa, nói: "Vòng đời của cây phật thủ chỉ 5-6 năm, bắt đầu cho trái từ năm thứ hai, trung bình một cây phật thủ cho khoảng gần 40 quả/vụ, cây cho năng suất cao nhất là từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 thì hết lứa. Sau 2 năm, tiền đầu tư bỏ ra gần 1 tỷ đồng, vụ này bắt đầu cho thu hoạch để hồi vốn nhưng giờ mất tất cả rồi".
Tất cả vốn liếng của Oanh dành dụm cộng với vay mượn ngân hàng "đều trôi sông, trôi biển". Gần 10 năm làm nghề, chưa khi nào cô phải trải qua cảm giác nặng nề, áp lực như hiện tại. Đất đai ở quê không thể trồng được phật thủ, giờ lâm cảnh tay trắng, khó khăn cứ chất chồng, khoản vay ngân hàng 300 triệu đồng chưa trả được như "quả núi" đè nặng lên cô.
Chị Oanh trở lại vườn sau 5 ngày nước lũ rút, cảnh tượng trước mặt chị là hàng nghìn cây đang chết khô. Ảnh: Minh Ngọc
Cách vườn của Oanh vài trăm mét, bà Nguyễn Thị Hoài, thôn Đông (xã Đắc Sở) cùng chồng đang nhặt một số túi thuốc BVTV còn sót lại sau trận lũ, họ mong rằng vẫn có cơ hội sử dụng nếu sau này có điều kiện phục hồi lại vườn phật thủ 0,5 ha vừa bị thiệt hại.
Bà Hoài cả tuần nay mất ăn, mất ngủ, hễ cứ nhắc đến chuyện phật thủ là chỉ chực khóc bởi nguồn sống của cả gia đình 3 người trông chờ hết vào đây. Mỗi năm gia đình bà thu nhập cũng được trên 500 trăm triệu từ bán phật thủ, có tiền lo cho con học Đại học, sinh hoạt gia đình, cỗ bàn và dành dụm vốn để tái sản xuất... Nay thì chẳng còn gì nữa, mưa lũ qua đi, để lại cho bà một mảnh vườn hoang tàn và "một đống củi khô". Cơn lũ "quái ác" cũng cướp đi 2 chú chó bà nuôi ở lán, tủ lạnh, máy phun thuốc BVTV, máy tưới nước đều trở thành đống sắt vụn.
Nhìn vào hàng cây phật thủ màu bạc phếch, bà Hoài tiếc hùi hụi bảo: "Cứ nghĩ lũ chỉ 2 ngày rồi rút thì vườn phật thủ còn có thể cứu vãn. Nước ngập đến 6 ngày thì cây nào chịu được, mất mát lớn quá, bây giờ không biết làm thế nào cả. Tôi ước tính thiệt hại hơn 300 triệu đồng”.
Bà Nguyễn Thị Hoài bị thiệt hại 0,5 ha phật thủ, ước tính trên 300 triệu đồng. Ảnh: Minh Ngọc
Anh Vương Trí Hưng, thôn Trung Kỳ (xã Đắc Sở) còn rơi vào hoàn cảnh thê thảm hơn khi trong 2 năm qua anh bỏ ra 750 triệu đồng, trong đó vay ngân hàng 600 triệu để đầu tư trồng gần 1 ha phật thủ ở xã Liên Hà (huyện Đan Phượng).
"Chăm cây như chăm con mọn, đến khi chuẩn bị đến ngày hái quả ngọt thì nước lũ đã xóa sổ mọi thứ", anh buồn bã nói khi đứng nhìn từ xa về phía vườn phật thủ.
Con đường dẫn vào vườn của anh Hưng vẫn sình lầy, ngập ngụa trong bùn cao tới 50 cm, khiến anh chưa thể kéo máy móc lên được. Thiệt hại sơ sơ cũng gần 1 tỷ đồng.
Con đường dẫn vào vườn phật thủ của anh Hưng lầy lội, bùn cao 50 cm. Ảnh: Minh Ngọc
Trong những vườn phật thủ của người dân Đắc Sở thuê đất trồng ở Hồng Hà, Liên Hà, những ngày này các lán trại đều vắng bóng người..., vì họ đều đã tay trắng sau trận lũ. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sở Đinh Thị Trang cho hay, tính đến ngày 17/9, 245 hộ trồng phật thủ của xã bị thiệt hại do lũ, trên 300 ha xóa sổ hoàn toàn, tổng thiệt hại ước tính trên 250 tỷ đồng.
Sẵn sàng khôi phục được sau lũ, chỉ cần có nguồn vốn ưu đãi
Trao đổi với PV Dân Việt, điều mong mỏi nhất lúc này của chị Oanh, bà Hoài, anh Hưng và hàng trăm hộ trồng phật thủ ở Đắc Sở bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua là được các ngân hàng có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi để bà con có cơ hội để phục hồi lại sản xuất. Đồng thời giãn, khoanh nợ đối với các hộ đang vay vốn.
Còn Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sở Đinh Thị Trang cũng mong muốn thành phố, huyện quan tâm, có các chính sách hỗ trợ bà con nông dân vốn để tái sản xuất. Ngoài ra, hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV...
Bên cạnh đó, các địa phương nơi nông dân xã Đắc Sở đến thuê đất canh tác tạo điều kiện tốt nhất để người dân sớm phục hồi sản xuất sau lũ.
Dưới đây, là chùm ảnh thiệt hại khủng khiếp tại làng phật thủ ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Những vườn cây phật thủ của người dân Đắc Sở vừa mới trồng bị nước lũ làm chết. Ảnh: Minh Ngọc
Tính đến 17/9, 245 hộ trồng phật thủ của xã Đắc Sở bị thiệt hại do lũ, trên 300 ha xóa sổ hoàn toàn, tổng thiệt hại ước tính trên 250 tỷ đồng. Ảnh: Minh Ngọc
Vườn phật thủ của một người dân xã Đắc Sở thuê đất trồng ở xã Hồng Hà (Đan Phượng) bị lũ phá tan hoang. Ảnh: Minh Ngọc
Những vườn trồng phật thủ xanh mướt, ra quả trĩu trịt, giờ đây chỉ còn là một đống củi khô. Ảnh: Minh Ngọc
Bà Hoài (bên phải) cùng chồng dọn dẹp lán, nhặt nhạnh những gì còn sót lại có thể sử dụng được sau khi lũ rút đi. Ảnh: Minh Ngọc
Thuốc BVTV còn sót lại sau cơn lũ được bà Hoài cho vào thùng xốp, giữ lại. Ảnh: Minh Ngọc
Tủ lạnh, bếp, máy móc... tại lán của bà Hoài bị lũ làm hư hỏng. Ảnh: Minh Ngọc
Người trồng phật thủ ở Đắc Sở mong muốn các ngân hàng có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi để người dân có cơ hội phục hồi lại sản xuất. Ảnh: Minh Ngọc
Những lán trại vắng bóng người ở bãi sông Hồng, thuộc xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng). Ảnh: Minh Ngọc
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận
2024-12-26 12:15:20 · 来自139.206.101.91回复
2024-12-26 12:25:30 · 来自210.31.80.87回复
2024-12-26 12:35:19 · 来自210.26.227.153回复
2024-12-26 12:45:13 · 来自171.12.152.224回复
2024-12-26 12:55:18 · 来自182.88.216.49回复
2024-12-26 13:05:17 · 来自106.85.185.184回复
2024-12-26 13:15:16 · 来自106.93.254.134回复