(Dân trí) - Doanh nghiệp đầu mối xin giảm nhập hàng vì thua lỗ, thương nhân phân phối, bán lẻ trả lại giấy phép kinh doanh, một số khác cố gắng cầm cự... là những gì đang diễn ra trên thị trường xăng dầu.
"Chưa năm nào tình hình kinh doanh xăng dầu ảm đạm, khó khăn đến vậy. Sức tiêu thụ giảm trong khi giá thế giới xuống liên tục", ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai, doanh nghiệp phân phối xăng dầu, than.
Theo vị này, gần đây, chiết khấu xăng dầu luôn ở mức thấp dao động 700-1.000 đồng/lít, còn xăng chỉ hơn 500 đồng/lít khiến doanh nghiệp phân phối, bán lẻ gặp không ít khó khăn. Với mức chiết khấu như vậy, ông Phụng thừa nhận doanh nghiệp không thể có lãi, thậm chí lỗ nặng.
Thực tế, không chỉ doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu mà nhiều "ông lớn" đầu mối xăng dầu cũng than lỗ vì giá xăng dầu giảm mạnh gần đây. Tại cuộc họp với Bộ Công Thương mới đây, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đề xuất giảm nhập xăng dầu so với tổng nguồn được phân giao cả năm.
Đầu mối, phân phối, bán lẻ xăng dầu than lỗ
Theo lý giải của các doanh nghiệp đầu mối, hiện nay, nhu cầu của người dân cơ bản sẽ không có sự tăng trưởng đột biến. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão, một số bị lỗ do những tháng gần đây giá xăng dầu giảm mạnh. Bên cạnh đó, lượng dự trữ của doanh nghiệp phải đảm bảo trong 20 ngày nên việc cân đối gặp khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 19 lần tăng và 20 lần giảm, dầu diesel có 16 lần tăng và 20 lần giảm. Đặc biệt, giai đoạn gần đây, có thời điểm xăng E5 RON 92 về dưới 19.000 đồng/lít - thấp nhất hơn 3 năm qua, tương đương hồi tháng 5/2021.
Thực tế này dẫn đến việc doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu vừa nhập khẩu xăng dầu về, chưa bán đã lỗ. Bởi theo quy định hiện hành, các thương nhân đầu mối phải dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc là 30 ngày cung ứng. Điều này khiến hàng tồn kho nhiều, giá càng giảm, doanh nghiệp càng lỗ lớn.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, gần đây, giá xăng dầu giảm liên tục khiến doanh nghiệp "trở tay không kịp". Việc nhập khẩu xăng dầu mất nhiều thời gian, doanh nghiệp đặt mua giá này nhưng khi về đến kho cảng, giá trong nước đã hạ. Do vậy mà thương nhân đầu mối không "mặn mà" nhập khẩu xăng dầu.
Lợi nhuận thấp khiến nhiều doanh nghiệp không còn "mặn mà" cung ứng xăng dầu (Ảnh: Mạnh Quân).
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai cũng thừa nhận khi kinh doanh, tất cả doanh nghiệp đều mong muốn có lãi, nếu lỗ họ sẽ không muốn làm. Hơn nữa khi làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp cũng sẽ khó vay vốn, ảnh hưởng tới nhập hàng.
Thực tế, kinh doanh khó khăn, thua lỗ kéo dài cùng việc siết chặt hoạt động của cơ quan quản lý đã khiến hàng loạt doanh nghiệp phân phối xăng dầu tự nguyện trả giấy phép. Trong 7 tháng qua, hơn 20 thương nhân phân phối xăng dầu đề nghị trả lại giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh, hiện trên thị trường còn khoảng hơn 290 doanh nghiệp phân phối mặt hàng xăng dầu.
Một số doanh nghiệp xăng dầu cho rằng số doanh nghiệp phân phối rời bỏ thị trường sẽ tiếp tục gia tăng nếu nghị định kinh doanh xăng dầu sửa đổi sắp ban hành theo hướng quy định chặt hơn đối với thương nhân phân phối, đặc biệt trong vấn đề chỉ cho phép mua hàng từ doanh nghiệp đầu mối.
Với thương nhân bán lẻ xăng dầu - khâu cuối trong chuỗi cung ứng, vấn đề chiết khấu thấp là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không "mặn mà" kinh doanh. Thời gian qua, do doanh nghiệp đầu mối thua lỗ, mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ cũng bị giảm theo. "Hệ thống doanh nghiệp bán lẻ cần được đảm bảo chiết khấu tối thiểu 1.300-1.500 đồng", ông Phụng khẳng định.
"Nút thắt" trong thị trường xăng dầu
Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng điểm nghẽn của thị trường xăng dầu hiện nay là cơ chế điều hành của Nhà nước.
"Để đảm bảo đủ cung ứng, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được yêu cầu nhập khẩu lượng xăng dầu lớn. Tuy nhiên, thời gian qua giá nhập khẩu có chiều hướng giảm , do đó, những doanh nghiệp đặt mua hàng từ trước theo kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng sẽ đối mặt với tình trạng lỗ, thậm chí lỗ mất cả vốn", ông Thịnh lý giải.
Hiện nay, cơ quan quản lý yêu cầu thương nhân đầu mối phải bảo đảm nguồn cung phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời phải có dự trữ riêng của doanh nghiệp và dự trữ quốc gia. Trong khi đó, giá bán xăng dầu lại do Nhà nước quyết định.
Theo vị chuyên gia, nếu cho phép doanh nghiệp tự quyền quyết định giá bán xăng dầu thì thị trường sẽ tạo ra sự cạnh tranh, tăng cường tính công khai, minh bạch.
Tương tự, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cũng cho rằng cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay đều mang tính hành chính, đặc biệt là giá. Khi giá 15.000 đồng/lít cũng vận hành theo cơ chế như thời điểm giá lên 33.000 đồng/lít.
"Vô tình 20 năm qua, chúng ta đã đưa xăng dầu trở thành mặt hàng Nhà nước định giá chứ không phải bình ổn khi thị trường có biến động mạnh", ông nói và nhấn mạnh việc xác định giá trong giai đoạn này là một "nút thắt" lớn nhất.
Hiện, thương nhân đầu mối phải dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc là 30 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một ngày của năm trước liền kề (Ảnh: Petrolimex).
Do đó, theo ông Đinh Trọng Thịnh, cơ quan chức năng nên nghiên cứu lập sàn giao dịch xăng dầu, từ đó giúp xăng dầu trong nước phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán.
"Sàn giao dịch sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, khối lượng, giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả chủ thể trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu từ các nhà máy sản xuất, doanh nghiệp đầu mối, phân phối đến bán lẻ xăng dầu đều có quyền tham gia", vị chuyên gia nhìn nhận.
Thông qua sàn giao dịch, doanh nghiệp có thể đấu giá, mua bán xăng dầu với giá hợp lý nhất trên thị trường. Tuy nhiên, ông cho rằng cơ quan quản lý cần quy định tương đối cụ thể, cũng như nghiên cứu một cách đầy đủ. "Để xây dựng được sàn xăng dầu theo nền kinh tế thị trường cần các điều kiện, cơ chế, biện pháp quản lý cụ thể, tỉ mỉ, công khai và minh bạch, nên cần được nghiên cứu, thử nghiệm một cách cẩn trọng", ông chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần có những biện pháp đi kèm để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo đảm cung ứng cho nền kinh tế như giao chỉ tiêu nhập khẩu, dự trữ tối thiểu.
Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm nay được Bộ Công Thương phân giao cho 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện tổng cộng là 28,4 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Trong 8 tháng, tổng nguồn nhập khẩu và mua từ hai nhà máy trong nước của các thương nhân đầu mối là 18,1 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 63,7% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao. Tồn kho khoảng 1,95 triệu m3/tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho biết từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường xăng dầu còn có những diễn biến rất phức tạp.
Do đó, Bộ Công Thương sẽ cân nhắc thật kỹ vấn đề xin điều chỉnh giảm tổng nguồn được phân giao của các doanh nghiệp. Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu đề xuất của doanh nghiệp để đảm bảo đủ cung ứng xăng dầu trong nước dù trong mọi hoàn cảnh.
Ngày 24/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống phân phối.
Cùng với đó, các thương nhân đầu mối phải duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định. "Chủ động xây dựng kế hoạch xăng dầu cho năm 2025 và các năm tiếp theo, dứt khoát không để thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung như năm 2022", Thủ tướng chỉ đạo.
Kinh doanhĐiều gì đang xảy ra với thị trường xăng dầu?
(Dân trí) - Doanh nghiệp đầu mối xin giảm nhập hàng vì thua lỗ, thương nhân phân phối, bán lẻ trả lại giấy phép kinh doanh, một số khác cố gắng cầm cự... là những gì đang diễn ra trên thị trường xăng dầu.
"Chưa năm nào tình hình kinh doanh xăng dầu ảm đạm, khó khăn đến vậy. Sức tiêu thụ giảm trong khi giá thế giới xuống liên tục", ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai, doanh nghiệp phân phối xăng dầu, than.
Theo vị này, gần đây, chiết khấu xăng dầu luôn ở mức thấp dao động 700-1.000 đồng/lít, còn xăng chỉ hơn 500 đồng/lít khiến doanh nghiệp phân phối, bán lẻ gặp không ít khó khăn. Với mức chiết khấu như vậy, ông Phụng thừa nhận doanh nghiệp không thể có lãi, thậm chí lỗ nặng.
Thực tế, không chỉ doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu mà nhiều "ông lớn" đầu mối xăng dầu cũng than lỗ vì giá xăng dầu giảm mạnh gần đây. Tại cuộc họp với Bộ Công Thương mới đây, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đề xuất giảm nhập xăng dầu so với tổng nguồn được phân giao cả năm.
Đầu mối, phân phối, bán lẻ xăng dầu than lỗ
Theo lý giải của các doanh nghiệp đầu mối, hiện nay, nhu cầu của người dân cơ bản sẽ không có sự tăng trưởng đột biến. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão, một số bị lỗ do những tháng gần đây giá xăng dầu giảm mạnh. Bên cạnh đó, lượng dự trữ của doanh nghiệp phải đảm bảo trong 20 ngày nên việc cân đối gặp khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 19 lần tăng và 20 lần giảm, dầu diesel có 16 lần tăng và 20 lần giảm. Đặc biệt, giai đoạn gần đây, có thời điểm xăng E5 RON 92 về dưới 19.000 đồng/lít - thấp nhất hơn 3 năm qua, tương đương hồi tháng 5/2021.
Thực tế này dẫn đến việc doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu vừa nhập khẩu xăng dầu về, chưa bán đã lỗ. Bởi theo quy định hiện hành, các thương nhân đầu mối phải dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc là 30 ngày cung ứng. Điều này khiến hàng tồn kho nhiều, giá càng giảm, doanh nghiệp càng lỗ lớn.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, gần đây, giá xăng dầu giảm liên tục khiến doanh nghiệp "trở tay không kịp". Việc nhập khẩu xăng dầu mất nhiều thời gian, doanh nghiệp đặt mua giá này nhưng khi về đến kho cảng, giá trong nước đã hạ. Do vậy mà thương nhân đầu mối không "mặn mà" nhập khẩu xăng dầu.
Lợi nhuận thấp khiến nhiều doanh nghiệp không còn "mặn mà" cung ứng xăng dầu (Ảnh: Mạnh Quân).
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai cũng thừa nhận khi kinh doanh, tất cả doanh nghiệp đều mong muốn có lãi, nếu lỗ họ sẽ không muốn làm. Hơn nữa khi làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp cũng sẽ khó vay vốn, ảnh hưởng tới nhập hàng.
Thực tế, kinh doanh khó khăn, thua lỗ kéo dài cùng việc siết chặt hoạt động của cơ quan quản lý đã khiến hàng loạt doanh nghiệp phân phối xăng dầu tự nguyện trả giấy phép. Trong 7 tháng qua, hơn 20 thương nhân phân phối xăng dầu đề nghị trả lại giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh, hiện trên thị trường còn khoảng hơn 290 doanh nghiệp phân phối mặt hàng xăng dầu.
Một số doanh nghiệp xăng dầu cho rằng số doanh nghiệp phân phối rời bỏ thị trường sẽ tiếp tục gia tăng nếu nghị định kinh doanh xăng dầu sửa đổi sắp ban hành theo hướng quy định chặt hơn đối với thương nhân phân phối, đặc biệt trong vấn đề chỉ cho phép mua hàng từ doanh nghiệp đầu mối.
Với thương nhân bán lẻ xăng dầu - khâu cuối trong chuỗi cung ứng, vấn đề chiết khấu thấp là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không "mặn mà" kinh doanh. Thời gian qua, do doanh nghiệp đầu mối thua lỗ, mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ cũng bị giảm theo. "Hệ thống doanh nghiệp bán lẻ cần được đảm bảo chiết khấu tối thiểu 1.300-1.500 đồng", ông Phụng khẳng định.
"Nút thắt" trong thị trường xăng dầu
Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng điểm nghẽn của thị trường xăng dầu hiện nay là cơ chế điều hành của Nhà nước.
"Để đảm bảo đủ cung ứng, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được yêu cầu nhập khẩu lượng xăng dầu lớn. Tuy nhiên, thời gian qua giá nhập khẩu có chiều hướng giảm , do đó, những doanh nghiệp đặt mua hàng từ trước theo kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng sẽ đối mặt với tình trạng lỗ, thậm chí lỗ mất cả vốn", ông Thịnh lý giải.
Hiện nay, cơ quan quản lý yêu cầu thương nhân đầu mối phải bảo đảm nguồn cung phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời phải có dự trữ riêng của doanh nghiệp và dự trữ quốc gia. Trong khi đó, giá bán xăng dầu lại do Nhà nước quyết định.
Theo vị chuyên gia, nếu cho phép doanh nghiệp tự quyền quyết định giá bán xăng dầu thì thị trường sẽ tạo ra sự cạnh tranh, tăng cường tính công khai, minh bạch.
Tương tự, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cũng cho rằng cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay đều mang tính hành chính, đặc biệt là giá. Khi giá 15.000 đồng/lít cũng vận hành theo cơ chế như thời điểm giá lên 33.000 đồng/lít.
"Vô tình 20 năm qua, chúng ta đã đưa xăng dầu trở thành mặt hàng Nhà nước định giá chứ không phải bình ổn khi thị trường có biến động mạnh", ông nói và nhấn mạnh việc xác định giá trong giai đoạn này là một "nút thắt" lớn nhất.
Hiện, thương nhân đầu mối phải dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc là 30 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một ngày của năm trước liền kề (Ảnh: Petrolimex).
Do đó, theo ông Đinh Trọng Thịnh, cơ quan chức năng nên nghiên cứu lập sàn giao dịch xăng dầu, từ đó giúp xăng dầu trong nước phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán.
"Sàn giao dịch sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, khối lượng, giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả chủ thể trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu từ các nhà máy sản xuất, doanh nghiệp đầu mối, phân phối đến bán lẻ xăng dầu đều có quyền tham gia", vị chuyên gia nhìn nhận.
Thông qua sàn giao dịch, doanh nghiệp có thể đấu giá, mua bán xăng dầu với giá hợp lý nhất trên thị trường. Tuy nhiên, ông cho rằng cơ quan quản lý cần quy định tương đối cụ thể, cũng như nghiên cứu một cách đầy đủ. "Để xây dựng được sàn xăng dầu theo nền kinh tế thị trường cần các điều kiện, cơ chế, biện pháp quản lý cụ thể, tỉ mỉ, công khai và minh bạch, nên cần được nghiên cứu, thử nghiệm một cách cẩn trọng", ông chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần có những biện pháp đi kèm để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo đảm cung ứng cho nền kinh tế như giao chỉ tiêu nhập khẩu, dự trữ tối thiểu.
Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm nay được Bộ Công Thương phân giao cho 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện tổng cộng là 28,4 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Trong 8 tháng, tổng nguồn nhập khẩu và mua từ hai nhà máy trong nước của các thương nhân đầu mối là 18,1 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 63,7% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao. Tồn kho khoảng 1,95 triệu m3/tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho biết từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường xăng dầu còn có những diễn biến rất phức tạp.
Do đó, Bộ Công Thương sẽ cân nhắc thật kỹ vấn đề xin điều chỉnh giảm tổng nguồn được phân giao của các doanh nghiệp. Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu đề xuất của doanh nghiệp để đảm bảo đủ cung ứng xăng dầu trong nước dù trong mọi hoàn cảnh.
Ngày 24/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống phân phối.
Cùng với đó, các thương nhân đầu mối phải duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định. "Chủ động xây dựng kế hoạch xăng dầu cho năm 2025 và các năm tiếp theo, dứt khoát không để thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung như năm 2022", Thủ tướng chỉ đạo.
Đăng thảo luận