Hà NộiLã Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty ECPAY, bị cáo buộc chỉ đạo em gái hối lộ sếp ngân hàng 200.000 cổ phiếu để được tiếp tục giải ngân nhằm tháo gỡ khó khăn cho công ty.
Ông Lã Quang Bình là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPAY), Đầu tư thương mại dịch vụ Điện lực (ECInvest), Tập đoàn LALUNA và khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel).
Hồi tháng 9, ông Bình cùng em gái Lã Thị Phương Liên bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đề nghị truy tố về hai tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Đưa hối lộ.
Trong vụ án này, Đào Hoàng Thắng, cựu giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại quận Đống Đa, bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.
Doanh nhân Lã Quang Bình. Ảnh: ECPAY
Theo kết luận, từ 2005 đến 2016, ông Bình thành lập một số công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, máy vi tính. Trong đó, Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (Công ty ECPAY) làm đại lý trung gian thu hộ tiền điện theo hợp đồng đã ký với các công ty điện lực...
Từ tháng 4/2016 đến tháng 12/2020, ông Bình sử dụng 8 công ty, lập hồ sơ vay tiền tại một ngân hàng lớn với mục đích thanh toán ứng trước tiền điện cho các công ty điện lực và đầu tư kinh doanh bất động sản. Từ 2018 đến 2020, các công ty của Bình được cấp hạn mức 100 tỷ đồng cho một công ty trong một năm. Trong đó 50% được bảo đảm bằng các hợp đồng tiền gửi, 50% vay tín chấp không tài sản bảo đảm.
Từ tháng 12/2020, do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đóng cổng thanh toán, yêu cầu Công ty ECPAY trả hết số tiền điện còn nợ khiến công ty của Bình mất nguồn thu để trả nợ các khoản vay đến hạn ngân hàng và có nguy cơ bị chuyển nợ xấu. Nhằm tháo gỡ khó khăn, Bình nhờ Đào Hoàng Thắng giúp đỡ giải ngân tiếp cho công ty song bị gây khó dễ, yêu cầu đưa tiền thì mới đồng ý cho giải ngân, kết luận điều tra nêu.
Để có nguồn tiền trả nợ vay quá hạn tại ngân hàng, không để chuyển nợ xấu và trả nợ cho Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Bình giao em gái Lã Thị Phương Liên thỏa thuận với Thắng về việc sẽ chuyển 300.000 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại - Dịch vụ Điện lực (mã chứng khoán là EIN), tương đương 3 tỷ đồng, cho Thắng.
Đồng thời, Bình chỉ đạo Trần Ngọc Thắng (Phó tổng giám đốc Công ty ECPAY) theo dõi, khi có tiền tín dụng (L/C) từ nước ngoài chuyển về thì chuyển tiếp cho Thắng 2 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của Bình, chiều 22/1/2021, Liên đến phòng làm việc gặp Thắng để nhờ tạo điều kiện cho tiếp tục giải ngân. Đổi lại, Liên sẽ chuyển cho Thắng 200.000 cổ phiếu EIN.
Cơ quan điều tra xác định bị can Thắng ngầm hiểu đây là tài sản đại gia Bình đưa để nhờ giúp đỡ giải ngân nên đồng ý và bảo Liên chuyển cổ phiếu vào tài khoản chứng khoán của em gái là Đào Hoàng Yến. "Chốt" tiền xong, Bình chỉ đạo cấp dưới làm việc với ngân hàng về phương án lập hồ sơ vay tiền.
Từ thỏa thuận giữa hai bên, Liên chuyển 200.000 cổ phiếu EIN cho Thắng bằng cách vòng vo qua các cá nhân khác để xóa dấu vết. Hiện, 200.000 cổ phiếu này vẫn đang trong tài khoản chứng khoán của em gái Thắng.
Sau khi nhận 200.000 cổ phiếu EIN, ngày 27/1/2021, Thắng chỉ đạo, giục cán bộ ngân hàng Phạm Như Hà và Nguyễn Thành Nhân cho tất toán, rút tài sản đảm bảo của khoản vay 94 tỷ đồng của Công ty TNHH Kinh doanh và Thương mại Thịnh Phát trái quy định. Sau đó, Thắng tiếp tục chỉ đạo giải ngân trái quy định hai khoản vay mới 46 tỷ đồng và 33 tỷ đồng cho Công ty Thịnh Phát.
Công ty Thịnh Phát đang còn khoản vay 47 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo nhưng Thắng vẫn chỉ đạo để cho tiếp tục ký hợp đồng tín dụng hạn mức 46 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng thu hộ tiền điện được ký giữa Công ty ECPAY và Công ty Thịnh Phát.
Ngày 28/1/2021, ngân hàng đã giải ngân 46 tỷ đồng cho Công ty Thịnh Phát. Tuy nhiên kết quả điều tra xác định, hợp đồng thu hộ tiền điện giữa Công ty ECPAY và Công ty Thịnh Phát không có giá trị pháp lý.
Một tháng sau, ngân hàng tiếp tục ký hợp đồng tín dụng, giải ngân trái pháp luật cho Công ty Thịnh Phát 33 tỷ đồng. Đến nay, các khoản vay trên đều tất toán nên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an không có căn cứ xác định hậu quả thiệt hại cho ngân hàng.
Trong vụ án này, ngoài bị can Bình, Liên, Thắng, Hoài Anh, 6 cựu cán bộ ngân hàng bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Nguyễn Thị Loan (Giám đốc Tài chính Công ty ECPAY) và Trần Đình Quốc cùng tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Nguyễn Hoài Anh (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh Tín Việt) bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Bốn bị can còn lại Nguyễn Hải Long, Nguyễn Văn Tuấn, Vũ Văn Khiêm và Phạm Quang Tạo bị đề nghị truy tố về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Phạm Dự
Đăng thảo luận