Hơn 5 tháng kể từ ngày bị đưa vào viện dưỡng lão ở Johor Bahru, ông Kumar không gặp hoặc nghe bất kỳ tin tức gì của người nhà.

Người đàn ông 70 tuổi có vợ và hai con. Tháng 3 năm nay, họ cho ông nhập viện, đóng phí một tháng rồi mất hút. Họ không quay lại cũng không đóng phí ba tháng qua.

Ông Kumar từng là tài xế xe buýt. Sau lần bị đột quỵ cách đây 5 năm, ông phụ thuộc hoàn toàn vào người thân, từ tài chính đến sinh hoạt cá nhân. "Vợ và các con tôi đã lên kế hoạch đưa tôi vào viện dưỡng lão vì không muốn chăm sóc", ông nói.

Ông cố gọi điện cho người nhà nhưng nhận ra họ đã đổi số. "Tôi hy vọng một ngày có thể gặp lại vợ con mình để hỏi tại sao họ bỏ rơi khi tôi lâm vào cảnh ngộ này", ông nói.

Vấn nạn người già bị bỏ rơi ở Malaysia  第1张

Ảnh minh họa: ST

Tình cảnh người già bị bỏ rơi như ông Kumar đang ngày càng phổ biến trong xã hội Malaysia. Dân số già nước này chiếm 7,4% trong tổng 33,7 triệu dân, tương đương 2,5 triệu người từ 65 tuổi trở lên vào năm 2023. Con số dự kiến sẽ tăng 4,5 triệu vào năm 2030.

Hiệp hội điều hành cơ sở chăm sóc người cao tuổi Malaysia (Agecope) định nghĩa các trường hợp bị bỏ rơi gồm những người không được người thân đến thăm và ngừng trả phí chăm sóc hàng tháng.

Hầu hết các viện dưỡng lão cho biết họ thường miễn các khoản cho người cao tuổi trong tình huống như vậy vì mục đích nhân đạo.

Không chỉ các cơ sở tư nhân, các bệnh viện do nhà nước quản lý cũng tiếp nhận nhiều trường hợp người cao tuổi không thể liên hệ với người nhà. Bệnh viện Kuala Lumpur (HKL) chứng kiến số bệnh nhân bị bỏ rơi tăng 50% từ năm 2020 đến 2023. Trong 5 tháng đầu năm 2024, khoảng 166 trường hợp bị bỏ rơi đã được ghi nhận tại HKL, trong đó 50% là bệnh nhân trên 60 tuổi.

Tháng 3/2023, thứ trưởng Bộ Phụ nữ, gia đình và phát triển cộng đồng Aiman Athirah Sabu cho biết, từ 2018 đến tháng 6/2022, hơn 2.100 người cao tuổi bị bỏ rơi tại các bệnh viện khắp Malaysia.

Theo ước tính của Agecope, có khoảng 11 nhà phúc lợi do chính phủ điều hành, miễn phí chăm sóc tại Malaysia, phục vụ khoảng 2.000 người cao tuổi và 2.000 cơ sở chăm sóc người cao tuổi tư nhân.

Chủ tịch Agecope Delren Terrence Douglas cho biết, khoảng 25.000 người cao tuổi, chiếm 1% số người cao tuổi của cả nước, đang cần được chăm sóc tại các viện dưỡng lão.

Phần lớn những người này thuộc nhóm thu nhập thấp, được đưa đến viện dưỡng lão tư nhân sau đó bị bỏ rơi vì gia đình không đủ khả năng chi trả.

"Vì không gian tại viện dưỡng lão của chính phủ có hạn nên chỉ định và trả tiền cho các viện dưỡng lão tư nhân để hỗ trợ người bị bỏ rơi", ông Douglas cho biết.

Chính phủ Malaysia hiện cấp 500 RM (2,7 triệu đồng) mỗi tháng cho người trên 60 tuổi và 500 RM mỗi tháng cho các gia đình chăm sóc người cao tuổi tàn tật (ốm yếu) và những người chăm sóc người cao tuổi ốm yếu bị bỏ rơi.

Chính quyền nước này dự kiến đưa ra dự luật về Người cao tuổi năm 2024 để bảo vệ họ.

Nhật Minh (Theo straitstimes)