Với các tuyến cao tốc mới mở, tai nạn thường có xu hướng tăng trong giai đoạn đầu. Vì sao như vậy?
Ảnh lớn: Tai nạn giữa xe khách Phương Trang và Hồng Sơn lúc rạng sáng 19-9. Ảnh nhỏ: Tai nạn giữa xe khách Thuận Thảo và xe đầu kéo container khiến 1 người chết và hơn 10 người bị thương rạng sáng 24-9. Ảnh: Đ.TRONG - MAI THỨC
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, chỉ trong vòng một tuần, trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe khách.
Giải pháp nào để hạn chế tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Hòa Liên?
Điều này khiến nhiều người lo lắng về an toàn giao thông đối với các cao tốc trên cả nước.
Làm gì để giảm tối đa những vụ tai nạn giao thông trên cao tốc? Sau đây là chia sẻ của tiến sĩ Phạm Sanh.
Sao không chiếu sáng trên cao tốc như đường phố?
Theo thống kê, trong 9 tháng của năm 2024 Việt Nam xảy ra 16 vụ tai nạn trên cao tốc khiến 18 người chết và bị thương. Nguyên nhân đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Nhưng đang dấy lên nhiều ý kiến lo ngại về các vấn đề về chiếu sáng, chuyện dừng nghỉ dọc đường, làn dừng khẩn cấp, quản lý tuần tra giám sát và cả ý thức người lái xe...
Khi tai nạn xảy ra ban đêm, ai cũng nghĩ ngay đến việc thiếu ánh sáng.
Nhưng thật ra đường cao tốc không phải như đường đô thị có nhiều người đi bộ và xe đạp, do vậy việc chiếu sáng an toàn cho các đối tượng này không được đặt ra.
Để đảm bảo tầm nhìn và an toàn cho người lái, nhiều nước không quy định bắt buộc đặt chiếu sáng liên tục suốt tuyến, chỉ chiếu sáng tại một số vị trí đặc biệt như nút giao, cầu hầm... Lý do để đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí, rồi chuyện quản lý bảo trì, ô nhiễm ánh sáng...
Hơn nữa chiếu sáng liên tục đều đặn trên cao tốc gây ảo giác, mất tập trung và căng thẳng cho người lái.
Cao tốc thường kéo dài qua nhiều địa phương nên nguồn điện và quản lý, bảo trì phức tạp. Tầm nhìn lái xe ban đêm thường đảm bảo bởi đèn của xe, bảng báo và vạch kẻ đường phản quang. Vì vậy trên thế giới, rất ít nước có hệ thống chiếu sáng cao tốc giống đường đô thị (Bỉ, Saudi Arabia).
Để chống lóa/chói, ngoài các quy định về sử dụng đèn xe, có ý kiến đề nghị có thể dùng các thiết bị chống lóa và trồng cây dải phân cách.
Tất nhiên trồng cây trên cao tốc ngoài những cái được như cảnh quan, định hướng, tập trung, chống lóa... còn có nhiều cái khó như chọn loại cây phù hợp, khoảng cách giữa cây xanh và việc chăm sóc cây xanh...
Để xử lý những hạn chế này phải cần đội ngũ và thiết bị chuyên nghiệp.
Ưu tiên làm làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ
Về làn dừng khẩn cấp, do cao tốc thường xảy ra sự cố và lưu lượng xe nhiều nên các nước đều quan tâm đến tiêu chuẩn này, từ thiết kế đến các quy tắc sử dụng.
Trên các cao tốc cũ, các nước dùng lề đường cứng hay làn đường hẹp dưới 2,5m để dừng khẩn cấp. Hiện nay qua nhiều nghiên cứu và thực tế, hầu như các cao tốc đều có làn khẩn cấp rộng và chất lượng như làn bình thường.
Ngoài ra, đường cao tốc thường dài qua nhiều địa phương nên xe, người lái và hành khách không thể chạy liền một mạch, nên việc dừng nghỉ để vệ sinh, giải lao ăn uống nhẹ, thêm nhiên liệu xem lại xe cộ, nghỉ ngơi lấy lại sức... cũng phải ưu tiên giải quyết.
Đặc biệt ở nước ta, xe khách, xe tải đường dài chạy ban đêm là bình thường. Do đó chuyện dừng nghỉ ở quán ăn, cây xăng dọc đường là đương nhiên, kể cả các tuyến đường đô thị khác. Với đường cao tốc thì nhà dừng, trạm nghỉ phải được ưu tiên hàng đầu.
Thực tế ở các nước, xe chạy một đoạn cũng phải dừng nghỉ, trên đường có cả các điểm dịch vụ dừng, đỗ xe PA (Parking area) và điểm giải lao nghỉ ngơi RA (Rest area) do nhà nước hay tư nhân đầu tư khai thác.
Khoảng cách dừng, đỗ cách nhau 20-30km, điểm giải lao nghỉ ngơi cách nhau 50-100km, tùy từng nước. Nhưng ở Việt Nam, không hiểu gì lý do gì, chúng ta có lúc bỏ qua các nhu cầu thiết yếu này.
Để giảm tối đa tai nạn trên cao tốc, chúng ta cần tập trung đầu tư đầy đủ theo yêu cầu, quy mô, mục tiêu dự án đối với những tuyến cao tốc hai làn xe, cao tốc không có làn khẩn cấp, cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác cần phải lưu ý là hành động và ý thức của người lái xe. Việc không giữ khoảng cách, quá tốc độ quy định, lấn làn vượt ẩu, dừng đỗ trái phép cũng góp phần gây ra nhiều vụ tai nạn.
Tài xế dễ mất tập trung
Trong bối cảnh Việt Nam giao thông đường bộ chiếm ưu thế tuyệt đối so với đường sắt, đường hàng không, đường thủy, việc xây dựng cao tốc là rất cần thiết.
Tuy nhiên với các cao tốc mới mở, tai nạn thường có xu hướng tăng trong giai đoạn đầu. Đặc biệt, những vụ tai nạn trên cao tốc luôn nghiêm trọng do tốc độ nhanh, lưu lượng lớn, đường tốt và cảnh quan vắng làm tài xế dễ mất tập trung.
Vì vậy trong quá trình Việt Nam đang thực hiện mục tiêu phủ kín 3.000km cao tốc vào năm 2030 và 5.000km vào 2050, vấn đề tìm ra nguyên nhân gây tai nạn trên cao tốc để có hướng xử lý kịp thời phải là ưu tiên hàng đầu, không được xem nhẹ.
Đăng thảo luận