Việc tham mưu, đề xuất, phê duyệt chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19 của một số cá nhân không thông qua tổ công tác 4/5 Bộ là không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng xác định, không có căn cứ xử lý hình sự những cá nhân này.
Tại giai đoạn 1 vụ án "Chuyến bay giải cứu", 54 cá nhân đã bị đưa ra xét xử.
Theo đó, trong vụ án "Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2, Viện KSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 17 bị can về các tội "Nhận hối lộ”; "Đưa hối lộ”; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và "Che giấu tội phạm”.
Cáo trạng xác định, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch bệnh. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số Bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.
Lợi dụng chủ trương này, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa, nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương; trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận đưa nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ.
Có bị can lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra, làm rõ tội phạm của cơ quan chức năng.
Với các nội dung liên quan được tách ra để điều tra, làm rõ tại giai đoạn 2 của vụ án "Chuyến bay giải cứu”, cơ quan tố tụng chỉ ra rằng, việc tham mưu, đề xuất, phê duyệt chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19 không thông qua tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ, kết quả điều tra giai đoạn 1 vụ án xác định được như sau.
Các bị can Nguyễn Quang Linh, (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ); Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng), Nguyễn Tiến Thân và Nguyễn Mai Anh (chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ) đã tiếp nhận hồ sơ trực tiếp từ doanh nghiệp xin tổ chức chuyến bay.
Sau đó, các bị can đề xuất ông Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) trình nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phê duyệt mà không thông qua Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp được phê duyệt tổ chức 86 chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Thông qua việc này, các bị can Nguyễn Quang Linh, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Tiến Thân và Nguyễn Mai Anh đã nhận hối lộ từ doanh nghiệp với số tiền hơn 10 tỷ đồng (các bị can đã bị truy tố, xét xử tại giai đoạn 1 vụ án về hành vi nhận hối lộ).
Theo cáo trạng, việc tham mưu, đề xuất, phê duyệt chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19 không thông qua tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ nêu trên là không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, kết quả điều tra không xác định được hậu quả thiệt hại; các cá nhân có liên quan không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác nên không có căn cứ xử lý hình sự.
Đối với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) được giao xây dựng hướng dẫn tạm thời về đối tượng, quy trình, thủ tục thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, kết quả điều tra xác định, khi xây dựng dự thảo, Bộ này đã lấy ý kiển của các bộ ngành, địa phương liên quan.
Trên cơ sở các ý kiến thống nhất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ VHTT&DL trình và được sự đồng ý của lãnh đạo Chính phủ. Ngày 5-11-2021, Bộ VHTT&DL ký ban hành Hướng dẫn 4122.
Hướng dẫn 4122 có quy định diện đối tượng khách du lịch bao gồm cả người Việt Nam cư trú ở nước ngoài là chưa đúng với quy định của Luật Du lịch 2017. Theo đó, khách du lịch quốc tế chỉ bao gồm người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định các cá nhân tham gia soạn thảo, tham mưu, xây dựng, hướng dẫn ban hành văn bản này không có động cơ vụ lợi, không xác định được hậu quả thiệt hại nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.
(Theo ANTĐ)
Đăng thảo luận