Việt Nam đang nổi lên là mắt xích quan trọng cho chuỗi cung ứng Halal toàn cầu và có thể trở thành trung tâm sản xuất, phân phối các sản phẩm cho thị trường này.
Nhận định được TS Yousif S.AlHarbi, Phó chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Saudi Arabia (SFDA) nêu tại hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam", ngày 22/10.
Ngành Halal gồm những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt về thành phần, chế biến, vận chuyển.
Theo TS Yousif, những yêu cầu với sản phẩm Halal như sự tinh khiết, các chuẩn mực đạo đức, ứng xử phù hợp với thiên nhiên cũng là những yếu tố đã ăn sâu vào văn hóa Việt. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt khi lồng ghép các tiêu chuẩn Halal vào sản phẩm nông - thủy sản xuất khẩu.
"Việt Nam đang nổi lên là một mắt xích rất quan trọng cho chuỗi cung ứng Halal toàn cầu và có thể trở thành trung tâm sản xuất, phân phối các sản phẩm vào thị trường này", ông nói.
TS Yousif S.AlHarbi, Phó chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia (thuộc SFDA) phát biểu tại hội nghị chiều 22/10. Ảnh: VGP
Cùng quan điểm, Chủ tịch Cơ quan chứng nhận Halal Ấn Độ Mohamed Jinna nhìn nhận Việt Nam đang ở thời điểm vàng để nắm bắt các cơ hội tham gia vào thị trường quy mô hơn 7.000 tỷ USD này. "Việt Nam có tiềm năng trở thành nhân tố quan trọng, trung tâm của nền kinh tế Halal toàn cầu", ông nói.
Hiện thị trường Halal toàn cầu có quy mô với hơn 2 tỷ người Hồi giáo. Nền kinh tế Halal dự kiến đạt 7.700 tỷ USD vào 2025 và tăng lên 10.000 tỷ USD trước 2030. Trong đó, dân số Hồi giáo dự báo đạt gần 3 tỷ người vào 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu. Mức chi tiêu, sử dụng sản phẩm Halal của các nước Hồi giáo có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng phạm vi ngoài quốc gia theo đạo Hồi.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam mong muốn đưa Halal thành ngành thế mạnh, "nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột và động lực mới" trong phát triển quan hệ với các nước, gồm cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian hàng của doanh nghiệp Việt sản xuất sản phẩm Halal, chiều 22/10. Ảnh: VGP
Ngành công nghiệp Halal gồm nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược phẩm, tới công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ. Muốn đưa hàng vào thị trường nghìn tỷ USD, sản phẩm của doanh nghiệp Việt cần đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, đạo đức trong quy trình chế biến, chất lượng, xanh, sạch, đảm bảo sức khỏe.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã vận hành Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam (HALCERT) và bộ tiêu chuẩn Halal Việt Nam. Với các doanh nghiệp, chứng nhận Halal là cánh cửa giúp họ chinh phục thị trường nghìn tỷ USD này.
Hai năm trước, bà Bá Thị Nguyệt Thu, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hà Nội Xanh, nhận ra tiềm năng của thị trường Halal với những sản phẩm hữu cơ thuần chay của hợp tác xã. Để đưa sản phẩm vào thị trường Halal, Chủ tịch HTX Hà Nội Xanh đưa ra kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn sạch. Tháng 8, sản phẩm của Hà Nội Xanh nhận được chứng nhận Halal. Đây là tiền đề để họ tìm kiếm những đối tác tại cộng đồng Hồi giáo như Indonesia, Myanmar, Canada...
"Nhiều người nghĩ chứng nhận Halal khó đạt được nhưng nếu tôn trọng văn hóa của họ thì rất đơn giản", bà Thu chia sẻ.
Tuy vậy, để sản phẩm Việt thâm nhập sâu hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nước chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam kết nối địa phương, doanh nghiệp với các đối tác ở các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược và mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, ông đề nghị các nước hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, đào tạo và phát triển nhân lực, cũng như hoàn thiện chính sách quản lý về Halal. Việc này nhằm tối ưu hóa quy trình chứng nhận Halal, phục vụ xuất khẩu sản phẩm, du lịch của Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng sự hợp tác, đầu tư trên tinh thần "cùng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ tầm nhìn và hành động", sẽ giúp các doanh nghiệp Việt trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu.
Đức Mạnh
Đăng thảo luận