Dè sẻn, tích góp cả đời để có hai căn nhà, bốn mảnh đất cho con thừa kế, giờ bố mẹ tôi muốn đi chơi cũng chẳng còn đủ sức.

Tôi sinh ra ở Nam Định, lớn lên ở Hà Nội và lập nghiệp ở TP HCM. Đến giờ, tôi chưa từng được hưởng một chút tài sản thừa kế gì từ bố mẹ. Thế nhưng, tôi cũng vẫn rất trân trọng hai đấng sinh thành của mình.

Bây giờ, khi đã ngoài 40 tuổi, tôi cũng hiểu đời nhiều hơn, nên càng thấy thương hai ông bà. Họ cả đời tần tảo lao động, ăn uống giản dị, quanh năm cơm rau với thịt kho, tất cả chỉ nhằm tích lũy, để dành cho con cháu đời sau.

Đến giờ, bố mẹ tôi cũng có một căn nhà ở quê rộng vài trăm m2, một nhà trên Hà Nội ngay giữa trung tâm thủ đô, trị giá cũng không dưới 10 tỷ đồng. Ngoài ra, họ cũng có thêm bốn thửa đất ruộng nữa. Nói vậy để thấy trân trọng hơn những nỗ lực không biết mệt mỏi cả đời của bố mẹ.

Tuy nhiên, là phận làm con, tôi lại thấy thương bố mẹ nhiều hơn là hoan hỷ với khối tài sản nhiều người mơ ước đó.

>> 'Cả đời gom tiền mua đất để dành thừa kế cho con'

Tôi ra đời từ sớm, tự làm ăn, tự mua nhà, mua xe, gây dựng sự nghiệp cho riêng mình. Nhưng tôi cũng thấy luyến tiếc vì sau tất cả, đến giờ, khi tôi đã có đủ điều kiện kinh tế để cho bố mẹ đi chơi, du lịch đây đó, an hưởng tuổi già, thì hai người lại không muốn đi nữa vì sợ đi xa mệt mỏi khi tuổi đã "thất thập cổ lai hy".

Du lịch trong nước thì mỗi năm vài lần cũng chán, trong khi giờ đây chuyện ăn uống, chơi bời với cha mẹ lại chẳng còn đủ sức và hứng thú. Còn đi nước ngoài, châu Âu, châu Mỹ thì tôi sợ bay đường xa sẽ ảnh hưởng đến huyết áp, nhịp tim của người già...

Rốt cuộc, dù có đến mấy căn nhà thì cha mẹ cũng chỉ ở có một nơi, mấy miếng đất dành dụm cho con cũng chưa chưa chắc nó đã cần tới sau này. Suy cho cùng, tài sản thừa kế cũng chỉ có giá trị khi con dùng đến nó. Từ câu chuyện của cha mẹ, tôi nhận ra một điều rằng: đừng để lúc già mới hối tiếc và nhận ra những điều lẽ ra mình nên làm thời trẻ, thay vì cứ chăm chăm sống dè sẻn, tích lũy tài sản để dành cho con.

Moon Autumn