Theo đó, Kiểm toán Nhà nước xác định trường Đại học Thủ Dầu Một đã thu học phí của sinh viên cao hơn mức trần quy định.
Cụ thể, năm học 2020-2021 và 2021-2022, Trường Đại học Thủ Dầu Một chưa tự chủ tài chính, do đó mức thu học phí được thực hiện theo quy định của Nhà nước là Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và Quyết định số 28/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương.
Tuy nhiên, trường lại thu học phí của các tín chỉ thực hành cao hơn 1,5 lần so với tín chỉ lý thuyết. Việc thu như vậy theo giải thích của trường là do phần thực hành tiêu hao nhiều vật tư, thiết bị thực hành…
Do đó, Ban giám hiệu đã đề xuất hội đồng trường thu học phí tín chỉ thực hành cao hơn 1,5 lần so với tín chỉ lý thuyết và tổng số tiền phát hiện thu sai hơn 37 tỷ đồng.
Trường Đại học Thủ Dầu Một thừa nhận, nguyên nhân dẫn đến việc này là chưa thống nhất trong cách hiểu và vận dụng các quy định của Nhà nước vào việc tính đơn giá thu học phí.
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu trường Đại học Thủ Dầu Một trả lại tiền cho sinh viên hoặc nếu không trả lại được thì nộp vào ngân sách.
Trường Đại học Thủ Dầu Một đã chọn phương án thứ 2, tức hơn 37 tỷ đồng thu sai của sinh viên được nộp vào ngân sách, thay vì trả lại cho sinh viên.
Lý giải về việc này, lãnh đạo trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, nếu chọn phương án trả lại tiền cho sinh viên thì thủ tục rất khó khăn bởi thông tin của sinh viên vẫn chưa được đồng bộ do nhiều sinh viên đã tốt nghiệp. Do vậy, trường quyết định nộp toàn bộ số tiền vào ngân sách.
Dư luận cho rằng, trường Đại học Thủ Dầu Một nộp toàn bộ số tiền vào ngân sách là lựa chọn chưa thỏa đáng vì tất cả số tiền trên nhận từ sinh viên, của các bậc phụ huynh nên phải tìm cách để trả lại cho chính những sinh viên đó, trừ khi không thể.
Đăng thảo luận