Một số tin tức đáng chú ý: Xuất cấp 200 tấn gạo hỗ trợ người dân vùng bão lũ; TP.HCM cảnh báo nguy cơ ngộ độc so biển; Người Việt Nam nằm trong nhóm ít vận động nhất...
Xuồng cứu hộ chở những suất cơm, phần quà, nhu yếu phẩm đến bà con vùng lũ - Ảnh: HÀ THANH
Xuất cấp 200 tấn gạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bão
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước hôm 10-9 đã chỉ đạo Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội xuất cấp không thu tiền 200 tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân các địa phương bị ảnh hưởng bão Yagi. Thời hạn hoàn thành việc giao, nhận gạo trước ngày 12-9.
Cùng ngày, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn gửi chủ tịch UBND của 25 tỉnh thành về khắc phục hậu quả do bão Yagi (bão số 3). Theo đó yêu cầu khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích, di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ vỡ đê, sạt lở, ngập lụt, mất an toàn...
Đồng thời hỗ trợ, cứu chữa người bị thương và tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ mặt hàng thiết yếu cho những người có nhà bị đổ, sập, trôi, chia cắt. Tuyệt đối không để người dân bị đói, không có chỗ ở…
Trường hợp thiếu nguồn lực, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố bị thiệt hại có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp trình Thủ tướng xem xét, quyết định hỗ trợ kịp thời.
Xuất hiện món ăn từ so biển, TP.HCM cảnh báo nguy cơ ngộ độc
Một bệnh nhân bị ngộ độc so biển được hồi sức tích cực tại bệnh viện - Ảnh: TTXVN
Thông tin từ Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện nay tại một số chợ, quán ăn, phố ẩm thực xuất hiện các món ăn chế biến từ con so (so biển), con sam. Để phòng chống nguy cơ ngộ độc do ăn so biển, cá nóc, cá hồng dâu, ốc lạ…, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đề nghị các địa phương truyền thông cho người bán thức ăn và người tiêu dùng các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm từ độc tố tự nhiên gây ra.
Quán ăn nhầm so biển với sam, 3 người nhập viện
Đồng thời tuyên truyền cách phân biệt thủy sản có độc tố tự nhiên (con sam và con so...), khuyến cáo ngư dân loại bỏ ngay khi đánh bắt; tuyệt đối không dùng thủy hải sản có độc tố tự nhiên làm nguyên liệu chế biến thực phẩm dưới mọi hình thức.
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cũng lưu ý trong quá trình thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cần lưu ý nguồn nguyên liệu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Nếu nghi ngờ xảy ra ngộ độc thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên, các địa phương có thể gửi mẫu đến Viện Hải Dương học (Nha Trang, Khánh Hòa) để xét nghiệm.
Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có tỉ lệ người dân ít vận động nhất
Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trong lễ phát động cuộc thi "Tôi khỏe đẹp hơn" lần thứ 3, diễn ra ngày 10-9 tại Bộ Y tế.
Ông Thuấn cho hay theo báo cáo từ Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, một vấn đề nghiêm trọng đang nổi lên là tình trạng lười vận động và gia tăng tỉ lệ béo phì. Thống kê cho thấy Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tỉ lệ người dân ít vận động nhất.
Điều này đe dọa không chỉ sức khỏe của từng cá nhân mà còn tạo gánh nặng lên hệ thống y tế, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây như tiểu đường, tim mạch và ung thư.
Theo thứ trưởng, đây là khuyến cáo bổ ích để chúng ta cùng nhìn lại chính mình và có sự thay đổi phù hợp.
Bình Dương phạt nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống
Hà Nội phạt gần 25 tỉ đồng với 1.403 cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩmĐỌC NGAY
Tin tức từ Sở Y tế Bình Dương ngày 10-9, cơ quan chức năng tỉnh vừa thanh tra, kiểm tra và xử phạt 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, trong đó có nhiều công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp.
Các vi phạm chủ yếu liên quan đến việc không bảo đảm các điều kiện an toàn trong chế biến, lưu trữ thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và vi phạm các quy định về lưu mẫu thức ăn.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đã hết hiệu lực vẫn tiếp tục hoạt động như Công ty TNHH MTV Suất ăn công nghiệp Trần Pha Lil và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Suất ăn ngon lắm, cả hai đều bị phạt 25 triệu đồng.
Trong danh sách bị xử phạt còn có các doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Thủy Châu, Công ty TNHH Xuân Hồng Lam, và nhiều cá nhân, cơ sở nhỏ khác.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương, việc xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm là một bước quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và bảo đảm sức khỏe cho người dân trong bối cảnh vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng được quan tâm. Sở tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp và cá nhân tuân thủ đúng các quy định nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình kinh doanh và tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở này.
Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 11-9. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY
Dự báo thời tiết các vùng miền ngày 11-9
Đăng thảo luận