Cựu bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, 67 tuổi, sẽ trở thành thủ tướng mới của Nhật sau khi giành chiến thắng trong cuộc tranh cử lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền vào hôm 27-9, sau một cuộc cạnh tranh với 9 ứng cử viên trong đảng.
Ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo mới đắc cử của LDP, đảng cầm quyền tại Nhật, tổ chức họp báo sau cuộc bầu cử lãnh đạo LDP tại Tokyo (Nhật Bản) vào hôm 27-9 - Ảnh: Reuters
Do LDP chiếm đa số trong Quốc hội, ông Ishiba sẽ trở thành thủ tướng của nền kinh tế lớn thứ tư thế giới khi Quốc hội Nhật Bản dự kiến triệu tập vào ngày 1-10.
Tôi sẽ tin tưởng vào người dân, nói lên sự thật với lòng dũng cảm và sự chân thành, đồng thời tôi sẽ cố gắng hết sức để biến đất nước này thành một nơi an toàn, nơi mọi người có thể sống với nụ cười trên môi một lần nữa.Ông Shigeru Ishiba (tân chủ tịch đảng cầm quyền LDP và cũng sẽ là thủ tướng tới đây của Nhật Bản)
Khôi phục niềm tin và sự đoàn kết
Ông Ishiba đã đánh bại Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi - người cạnh tranh để trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản - trong vòng hai với 215 phiếu bầu so với 194.
Con số chiến thắng khá sít sao cũng nói lên rằng ông Ishiba sẽ có nhiều việc phải làm để thống nhất nội bộ LDP, lấy lại niềm tin của công chúng và tiến hành những cải cách quan trọng để đưa nền chính trị Nhật Bản trở lại đúng hướng.
Thách thức đầu tiên là ông Ishiba cần phải khôi phục niềm tin của công chúng với LDP - vốn đã lãnh đạo Nhật Bản gần như liên tục kể từ khi thành lập vào năm 1955, nhưng bị tai tiếng gần đây do vụ bê bối quỹ đen chính trị của LDP, cũng như mối quan hệ đầy tranh cãi của LDP với Giáo hội Thống nhất.
Nhật Bản có tân thủ tướng
Chân dung tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba được công chúng yêu mến
Thủ tướng mới của Nhật Bản theo đuổi việc thành lập 'NATO châu Á'
Sau cuộc bỏ phiếu, ông Ishiba cho biết LDP giờ đây có thể "tái sinh và lấy lại niềm tin của người dân". Ông cũng kêu gọi xây dựng một LDP khiêm tốn, công bằng và minh bạch, nơi các quy tắc được tuân thủ.
Ngoài ra, ông Ishiba cũng cần phải xây dựng lại và tạo được sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ LDP vốn bao gồm nhiều phe phái khác nhau như nhóm của cố thủ tướng Shinzo Abe, nhóm của cựu thủ tướng và hiện là phó chủ tịch LDP Taro Aso, và nhóm của Thủ tướng Kishida Fumio.
Ông Ishiba được cho là đã nỗ lực tới tận những thời khắc cuối cùng trước ngày bỏ phiếu để giành được sự ủng hộ của cả ông Kishida lẫn ông Aso.
Ông Ishiba cũng cần phải tính toán là liệu sau khi nhậm chức thủ tướng, ông có nên giải tán sớm Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử để tận dụng tỉ lệ tán thành cao của công chúng đối với LDP hay không.
Nhiệm kỳ hiện tại của các thành viên Hạ viện Nhật Bản sẽ kết thúc vào tháng 10-2025. Nếu ông tính toán sai lầm, có thể sẽ tạo cơ hội giúp đảng đối lập chính là Đảng Dân chủ lập hiến giành chiến thắng.
Lãnh đạo mới của đảng này được bầu hôm thứ hai vừa rồi là cựu thủ tướng Yoshihiko Noda - một chính trị gia đầy kinh nghiệm.
Người đam mê quân sự
Tuy nhiên, ông Ishiba cũng có không ít thuận lợi chính trị. Đã từ lâu ông được biết đến như một người kỳ cựu về các vấn đề an ninh quốc gia và là người tiên phong trong việc khôi phục vai trò của Nhật trong khu vực.
Điều này đã giúp ông đứng đầu hoặc gần dẫn đầu trong các cuộc thăm dò truyền thông trước bầu cử về việc ai trong số 9 ứng cử viên sẽ là người tốt nhất để lãnh đạo LDP.
Là một nghị sĩ lâu năm với 12 nhiệm kỳ, ông Ishiba có sự nhạy bén về chính trị cũng như kinh nghiệm phong phú về chính sách đối nội và đối ngoại. Về đối nội, ông đưa ra cam kết đạt được thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như "tăng trưởng về tiền lương thực tế".
Ông cũng hết sức tiến bộ khi ủng hộ luật cho phép phụ nữ đã kết hôn giữ tên thời con gái. Về chuyển đổi năng lượng, ông cho rằng Nhật Bản nên giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân để chuyển sang năng lượng tái tạo.
Về đối ngoại, ông Ishiba được coi là người rất mạnh mẽ trong vấn đề an ninh. Theo Kyodo News, ông Ishiba đã lặp lại lời nói của người tiền nhiệm trong chuyến đi gần đây tới Đài Loan khi phát biểu "những gì đang xảy ra ở Ukraine hôm nay có thể là vấn đề mà Đông Bắc Á phải đối mặt vào ngày mai".
Ông cũng từng kêu gọi thành lập một phiên bản châu Á của NATO để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Tuy nhiên, thách thức trước mắt của ông là phải thuyết phục công chúng việc tăng ngân sách quốc phòng theo lịch trình, và liệu việc tăng thêm thuế có cần thiết hay không. Thách thức và cơ hội đang chờ ông Ishiba vào đầu tháng 10 tới.
Mặc dù ông sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm an ninh quốc gia cho vị trí này, nhưng người tự cho mình là "gunji otaku" (người đam mê quân sự) như ông Ishiba sẽ cần phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, đồng minh an ninh của Nhật, nếu ông muốn tiếp tục các chính sách mà LDP đã đưa ra để "tăng cường mạnh mẽ" khả năng phòng thủ của đất nước trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực "ngày càng nghiêm trọng".
Đăng thảo luận