Các trường tự chủ tài chính được thu gấp đôi mức trần học phí theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ
HĐND TP Hà Nội đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (PTCL) tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở giáo dục mầm non, PTCL chất lượng cao trên địa bàn năm học 2024 - 2025.
Theo đó, 24 trường công lập chất lượng cao, công lập tự chủ tài chính dự kiến thu học phí từ 300.000 - 6.570.000 đồng/tháng.
Theo dự thảo, quy định áp dụng mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục mầm non, PTCL trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng. Mức thu học phí trong trường hợp học trực tuyến (online) bằng 75% mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp của các cơ sở giáo dục công lập. Nếu học trực tiếp và trực tuyến trong cùng tháng, hình thức học trên 14 ngày thì thu học phí theo hình thức đó. Tổng thời gian thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học. Mức trần học phí với trường công chất lượng cao hiện là 5,1 - 6,1 triệu đồng/tháng. Các trường xây dựng và đề xuất mức học phí, trình HĐND phê duyệt. Các trường tự chủ tài chính được thu gấp đôi mức trần học phí theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ, tương đương 600.000 - 1.300.000 đồng/tháng. Nếu đạt kiểm định chất lượng, các trường được tự xác định học phí.
Tại Khánh Hòa, ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết năm học 2024 - 2025, tỉnh sẽ không thực hiện việc tăng học phí theo lộ trình của Nghị định 81/2021. Theo đó, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 13/2022 để có mức thu học phí giai đoạn 2024 - 2026 bằng với mức thu học phí năm học 2021 - 2022; không tăng theo lộ trình đưa ra tại Nghị định 81/2021.
Cụ thể, mức thu học phí học trực tiếp đối với cơ sở giáo dục mầm non, PTCL chưa tự bảo đảm chi thường xuyên từ năm học 2024 - 2025 theo khu vực thành thị, nông thôn, dân tộc thiểu số và miền núi (đối với mỗi học sinh/tháng) lần lượt là 140.000 đồng, 45.000 đồng, 30.000 đồng ở cấp mầm non; 60.000 đồng, 35.000 đồng, 25.000 đồng ở cấp THCS; 70.000 đồng, 45.000 đồng, 30.000 đồng ở cấp THPT và giáo dục thường xuyên. Mức thu này giữ ổn định đến hết năm học 2025 - 2026. Vì vậy, mức thu học phí giai đoạn từ năm học 2024 - 2025 đến năm học 2025 - 2026 trên địa bàn Khánh Hòa được sửa đổi bằng mức thu học phí năm học 2021 - 2022 theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học.
HĐND TP Cần Thơ cũng vừa thông qua Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐND "Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, PTCL từ năm học 2023 - 2024". Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ Trần Thanh Bình, đây là mức học phí thấp hơn Nghị quyết 10/2023/NQ-HĐND (tổng thu học phí hơn 318 tỉ đồng).
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cũng ký ban hành công văn về việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 01. Ở quận, học phí cấp mầm non là 71.000 đồng/tháng/học sinh; cấp THCS là 65.000 đồng, cấp THPT là 75.000 đồng. Ở huyện, học phí các cấp lần lượt là 32.000 đồng, 33.000 đồng, 43.000 đồng/tháng/học sinh. Ðối tượng áp dụng là cơ sở giáo dục mầm non, PTCL chưa bảo đảm chi thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố. Học sinh tiểu học trường công lập không đóng học phí. Mức học phí mới này thấp hơn mức học phí ban hành trước đó theo Nghị quyết 10/2023 (mức học phí từ 50.000 - 300.000 đồng/tháng/học sinh).
Trong khi đó, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua nghị quyết hỗ trợ học phí năm học 2024 - 2025. Theo đó, trẻ mầm non, học sinh PTCL và ngoài công lập, kể cả học viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông, sẽ được hỗ trợ 100% học phí cho tối đa 9 tháng của năm học. Chính sách này không áp dụng đối với trẻ mầm non, học sinh thuộc các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Đối tượng được giảm học phí theo các chính sách của trung ương và Đà Nẵng được cấp bù phần hỗ trợ bằng 100% mức thu học phí giáo dục mầm non, PTCL. Kinh phí hỗ trợ dự kiến là hơn 108 tỉ đồng từ ngân sách thành phố.
Đăng thảo luận