Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đại học Quốc gia TP.HCM đã dần hình thành diện mạo một đô thị đại học hiện đại. Tuy nhiên, hạ tầng nhiều nơi vẫn bị nghẽn, một số mặt bằng bị lấn chiếm trái phép, “lởm chởm da beo”.
Khu vực xung quanh Nhà văn hóa Sinh viên - Đại học Quốc gia TP.HCM còn nhiều mặt bằng chưa thể giải phóng và bàn giao - Ảnh: CHÂU TUẤN
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, thời gian qua mặc dù một số mặt bằng đã được địa phương (TP Thủ Đức và TP Dĩ An, Bình Dương) phối hợp cùng Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG) tìm cách tháo gỡ, bàn giao chuẩn bị xây các công trình nhưng... nhiều nơi vẫn còn lởm chởm.
Việc này khiến cho khu đô thị ĐHQG TP.HCM chưa thể phát triển tương xứng để phục vụ tốt nhu cầu học tập của hàng chục ngàn sinh viên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Ban quản lý dự án xây dựng ĐHQG cho biết phía TP Dĩ An đã có kế hoạch giải phóng mặt bằng với tổng diện tích dự kiến ưu tiên thu hồi khoảng 31,6ha của 287 hộ dân thuộc phường Đông Hòa và phường Bình Thắng.
TP Dĩ An đang xin chủ trương lập thủ tục bồi thường, thu hồi mặt bằng phần diện tích khoảng 5ha chưa kiểm kê (gồm các vị trí giáp ranh Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, nút giao cổng chính ĐHQG, khu nghĩa trang Giáo xứ Tân Quý, các khu quy hoạch cây xanh...).
Còn ở TP Thủ Đức, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức cho biết hiện tại địa phương đã đo đạc 100% số hồ sơ.
Tổng vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng từ năm 2010 đến nay hơn 1.408 tỉ đồng.
Theo kế hoạch và kiến nghị từ cuối năm 2023, tổng diện tích dự kiến ưu tiên thu hồi khoảng 13ha của 200 hộ dân thuộc địa phận hai phường Linh Xuân và Linh Trung.
Một số mặt bằng "đặc biệt" như trong khuôn viên Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, còn 13 nhà dân chưa thể thu hồi.
Hiện nay đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất 5 hộ dân với diện tích là 203,2m2, chờ nhận nền tái định cư sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất 1 hộ dân với diện tích là 129,6m2.
Con đường phía sau Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM bị bó hẹp bởi một ngôi nhà chưa thể giải phóng - Ảnh: LÊ PHAN
Qua khảo sát, các đơn vị liên quan cho rằng một trong những nguyên nhân chủ yếu là người dân không đồng thuận với chính sách bồi thường, những hộ dân lấn chiếm thì không hợp tác bàn giao.
Để gỡ vướng mặt bằng trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Đình Tứ, chánh Văn phòng ĐHQG TP.HCM, cho biết thêm ĐHQG đặt mục tiêu đến năm 2030 (sau sáu năm nữa) sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng, phát triển không gian hiện đại, thân thiện với môi trường.
Riêng trong năm nay, ĐHQG đã đề nghị hai địa phương tập trung thu hồi một số khu vực trọng điểm. Cụ thể như đường Issac Newton, khu chợ tự phát, đường vành đai Tôn Thất Tùng, Đại lộ đại học, ngã ba 621, khuôn viên quảng trường...
Hình ảnh mặt bằng chưa giải phóng ở Đại học Quốc gia TP.HCM:
Trong khuôn viên của Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cũng còn 13 nhà dân chưa đồng ý di dời, bàn giao mặt bằng - Ảnh: CHÂU TUẤN
Dọc hướng này về ký túc xá khu B, hàng loạt nhà dân cũng chưa thể giải phóng mặt bằng - Ảnh: LÊ PHAN
Một số khu vực được cơ quan gắn bảng nghiêm cấm, đề phòng bị lấn chiếm mặt bằng trở lại - Ảnh: CHÂU TUẤN
Theo UBND TP Thủ Đức, trước đây việc quản lý đất đai còn hạn chế, tại khu vực triển khai dự án việc xử lý vi phạm không kịp thời nên các hộ dân lấn chiếm, sử dụng đất do Nhà nước quản lý - Ảnh: LÊ PHAN
Hàng trăm nhà dân ở khu vực chợ Nhân Văn, gần Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM thuộc diện cần giải phóng mặt bằng - Ảnh: CHÂU TUẤN
Còn tại khu vực đường Đại lộ đại học, đường 621 có 47 hồ sơ nhưng đã ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ 100% và thu hồi 33 mặt bằng (lấn chiếm, xây sai phép), số còn lại đang làm thủ tục thu hồi đất theo quy định - Ảnh: LÊ PHAN
Một số nơi như gần ký túc xá khu A, khuôn viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM đã giải tỏa cơ bản mặt bằng - Ảnh: CHÂU TUẤN
ĐHQG cho biết đã kiến nghị địa phương tập trung giải phóng mặt bằng để hoàn thiện, kết nối hạ tầng giao thông với các trục đường chính ngoài khu đô thị - Ảnh: CHÂU TUẤN
ĐHQG đặt mục tiêu đến năm 2030 (sau 6 năm nữa) sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng - Ảnh: LÊ PHAN
Đăng thảo luận