Quảng NinhBão Yagi đổ bộ gây mất điện, bác sĩ Hùng cùng điều dưỡng Lan liên tục bóp bóng cho bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở, giúp người bệnh vượt cửa tử.
Bão số ba đổ bộ vào Quảng Ninh chiều 7/9 khiến hệ thống điện lưới bị ngưng trệ. Tại Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều, hệ thống máy phát điện bị phá hủy khiến toàn bộ hệ thống máy thở, khí nén... ngưng trệ. Lúc này, trung tâm có 6 người bệnh đang phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở và 12 người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo chu kỳ.
Khoảng 17h30, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đi kiểm tra các buồng bệnh, phát hiện cụ bà 77 tuổi đang thở máy bỗng tím tái, ngừng tim, ngừng thở, không theo dõi được các chỉ số sinh tồn.
"Thôi xong", bác sĩ Hùng thốt lên trước tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Lập tức, anh huy động nhân lực ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản cho người bệnh. Bên cạnh, điều dưỡng Ngô Thị Ngọc Lan liên tục bóp bóng thay cho máy thở, điều dưỡng khác tiêm thuốc, theo dõi diễn biến.
"Mục tiêu là lấy lại nhịp tim, đảm bảo tính mạng cho người bệnh", anh nói.
Cùng lúc này, anh điều động nhân viên duy trì bóp bóng cho những bệnh nặng khác cần hồi sức, đồng thời dừng 12 máy lọc máu để tránh biến chứng.
Bóp bóng qua mặt nạ là kỹ thuật thực hiện ở những người bệnh ngừng thở, ngừng tim với mục đích tạo nhịp thở cho người bệnh để cung cấp oxy cho não và các cơ quan trong cơ thể. Bác sĩ Hùng cho biết đây là cách duy nhất để duy trì nhịp thở, "chỉ cần ngừng thở một phút có thể dẫn đến ngừng tim". Do đó, tất cả y bác sĩ đều kiên trì, thay phiên nhau bóp đến khi có điện.
Tuy nhiên, phòng bệnh thiếu ánh sáng khiến cho kíp gặp nhiều khó khăn. May mắn, trung tâm huy động gần 30 nhân viên y tế, gấp 7 lần ngày thường để trực chiến. Đơn vị chuẩn bị dự phòng thiết bị không cần điện như máy hút và monitor chạy bằng ắc quy để theo dõi chỉ số sinh tồn, bình oxy dự trự sẵn, máy đo SpO2 (chỉ số oxy trong máu) sạc đầy pin.
Sau 20 phút, người bệnh đã vượt qua con nguy kịch. "Tay chân tôi cứng lại, ranh giới giữa sự sống và cái chết chưa bao giờ mong manh như vậy", bác sĩ nói. Tuy nhiên, anh động viên đồng nghiệp không chủ quan, đề phòng ca ca cấp cứu nặng trong giai đoạn này.
Một tiếng sau, máy phát điện hoạt động trở lại. Lúc này, nhân viên y tế mới dừng bóp bóng, tất cả bệnh nhân đều an toàn.
Bác sĩ Hùng (áo trắng) và đồng nghiệp liên tục cấp cứu cho bệnh nhân trong điều kiện thiếu thốn. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Sau bão số ba, trung tâm y tế tại Quảng Ninh đều bị thiệt hại sau bão Yagi, tốc mái, vỡ kính, hỏng nhiều thiết bị, ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh. Đây là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông 30 năm qua, gây thiệt hại nặng nề về người và của.
Chỉ trong hai ngày bão đổ bộ, các bệnh viện ở tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận điều trị 357 ca tai nạn do bão, ba trường hợp tử vong. Trong đó 18 ca đa chấn thương nặng, 6 ca chấn thương sọ não, 19 trường hợp gãy xương và hơn 300 ca chấn thương phần mềm khác. Các y bác sĩ đã nỗ lực vừa chống bão, vừa đảm bảo cấp cứu điều trị cho bệnh nhân.
Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều tan hoang sau bão. Ảnh: Lê Giang
Tính đến chiều 11/9, Quảng Ninh ghi nhận 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 01 người). Các đơn vị đang cố gắng khắc phục thiệt hại để đảm bảo cấp cứu, điều trị người bệnh.
Đăng thảo luận