Tôi sửng sốt khi nghe em đồng nghiệp dành gần nửa tiền lương cho việc thuê trọ.

"Em thấy xứng đáng đồng tiền bát gạo nhất là mấy tháng giãn cách chống dịch Covid-19", cô bé đồng nghiệp nói với tôi, lúc đi làm lại, sau mấy tháng ở nhà.

Đồng thời, tôi sửng sốt khi nghe cô em này nói đang thuê một căn hộ 7 triệu đồng mỗi tháng, ở ghép chung với bạn, chia tiền mỗi người 3,5 triệu chưa điện nước, phí dịch vụ. Trong khi mức lương người mới chỉ 10 triệu đồng một tháng.

Cảm giác xứng đáng có được vì làm từ xa, được "xài hết công năng" của căn phòng đi thuê. Vì bình thường, nó chỉ là nơi để ngả lưng buổi tối, sáng mai lại đi làm sớm.

Học đại học ở Thủ Đức, có ký túc xá, nên không tốn kém nhiều. Thế nhưng khi ra trường và xin được việc, cô em đồng nghiệp này cũng như bao bạn trẻ khác phải "trung tâm tiến" vì ngoại ô có rất ít công ty phù hợp.

Thuê trọ gần công ty là chuyện ai cũng nghĩ đến. Nhưng giá tiền và chất lượng phòng ốc không phải lúc nào cũng hợp lý. Chưa kể, chủ nhà sơ hở là đòi tăng tiền phòng.

Tôi hỏi cô bé vì sao không lựa chọn nơi nào phù hợp hơn, vì mỗi tháng tốn gần phân nửa tiền lương cho việc thuê trọ là chưa hợp lý. Và nhận được câu trả lời, có những phòng trọ trông có vẻ đơn sơ, giá thuê đã 2,5-3,5 triệu đồng, lại không có ban công và hoặc cửa sổ bé tí, ở rất bí bách.

Cuối tuần rồi, tôi cũng qua nhà trọ phụ dọn đồ với đứa em từ Thủ Đức sang quận 7. Sau một tháng làm việc ở công ty mới, đi đi về về, không chịu nổi nữa nên đã cắn răng chi trả thêm cho tiền thuê trọ để được ở gần công ty.

Nhiều người cho rằng cứ dời các trường đại học ra ngoại ô, sẽ giải quyết được chuyện giá nhà trọ cao. Đúng chỉ một nửa. Thời sinh viên sẽ được ở ký túc xá hoặc giá trọ rẻ. Nhưng sau khi tốt nghiệp, đi làm lại phải lóc cóc dọn vào trung tâm. Rồi rốt cuộc câu chuyện sẽ diễn biến hệt như cô bé đồng nghiệp của tôi.

Việc quy định các biện pháp an toàn với nhà trọ ở TP HCM gần đây, tôi cho là hợp lý. Tính mạng và sự an toàn của người thuê trọ phải được ưu tiên. Nhưng nếu làm gấp, tôi chỉ e những phòng trọ đủ tiêu chuẩn sẽ ít ỏi và lên giá tiếp. Gánh nặng lại dồn lên vai người đi thuê.

Thật ra, yếu tố này chỉ là một phần của phương trình chỗ ở cho người lao động ở đô thị mà thôi.

Để giải quyết, cần làm đồng bộ. Và biến số quan trọng nhất của phương trình là giao thông công cộng kết nối thông suốt, sao cho người ở ngoại ô vẫn đi làm an toàn và đúng giờ, thoải mái ở trung tâm.

Lúc đó, tức khắc chẳng ai muốn ở trọ trong những căn phòng chật chội, đông đúc mà giá tính ra chẳng hề rẻ đó nữa.

Mộc Đồng