Nhấn mạnh tiềm năng to lớn về hợp tác kinh tế giữa các nước Pháp ngữ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định mảnh đất ấy sẽ không được khai phá hết nếu không có sự chung tay của các doanh nghiệp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Phu nhân và Tổng thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 - Ảnh: NGUYỄN HỒNG
Ngày 4-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dành những hoạt động đầu tiên tại Pháp cho các doanh nghiệp Pháp ngữ, cho thấy sự đánh giá cao vai trò của họ và mong muốn của Việt Nam trong việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế với các thành viên Pháp ngữ.
Thông điệp của Việt Nam
Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm không chỉ có các bài phát biểu quan trọng tại các sự kiện, ông còn có bài viết cho tập san Influences của Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ (FFA) để lan tỏa thêm thông điệp đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư không trực tiếp tham dự.
Cơ hội cho thanh niên khởi nghiệp trong môi trường Pháp ngữĐỌC NGAY
Trong bài viết trên, ông khẳng định hợp tác kinh tế với các nước trong cộng đồng Pháp ngữ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhấn mạnh vị thế và vị trí thuận lợi của Việt Nam trong hợp tác kinh tế. Nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nhắc lại việc Hà Nội là nơi đánh dấu sự ra đời của ý tưởng về một không gian kinh tế Pháp ngữ vào năm 1997. "Tiếng Pháp cần phải trở thành ngôn ngữ của kinh doanh, sáng tạo, tri thức, đổi mới và khởi nghiệp", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thông điệp trên kế đó được nhà lãnh đạo Việt Nam lan tỏa đến Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ về đổi mới, sáng tạo (Franco Tech) ngày 4-10. Diễn đàn này là một sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định với dân số hơn 1,2 tỉ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, không gian Pháp ngữ là "một mảnh đất đầy tiềm năng và cơ hội cho các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư và trao đổi thương mại".
"Nhưng chắc chắn, chúng ta không thể phát huy những tiềm năng to lớn ấy nếu không có sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp", ông nêu vấn đề, thể hiện sự đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp trong hợp tác kinh tế Pháp ngữ. Với Việt Nam, ông khẳng định sự lớn mạnh của doanh nghiệp, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động doanh nghiệp đã góp phần đáng kể tạo nên những thành tựu phát triển của đất nước trong những năm qua.
Muốn đi xa hãy đi cùng nhau
Cũng tại Diễn đàn Franco Tech có sự tham dự của khoảng 1.500 đại diện doanh nghiệp, chuyên gia và học giả kinh tế Pháp ngữ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định khoa học, công nghệ cùng đổi mới, sáng tạo sẽ là sự lựa chọn tất yếu của Việt Nam trong hành trình tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại, với trọng tâm xây dựng nền kinh tế số. Do đó, Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác, trong đó có Pháp và các nước Pháp ngữ, để phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, giàu tiềm năng như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, năng lượng hydrogen xanh và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kế đó kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục quan tâm, đến đầu tư tại Việt Nam. Ông khẳng định Việt Nam đang tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn và có vị thế, vị trí rất thuận lợi. Đầu tư và hợp tác với Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục vươn xa phát triển thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn mang tầm vóc quốc tế.
Thủ tướng tiếp các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình DươngĐỌC NGAY
Hướng đến các thành viên Pháp ngữ tại châu Phi, trong cả bài viết trên tập san Influences và phát biểu tại Diễn đàn Franco Tech, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định với kinh nghiệm hợp tác ba bên, Việt Nam sẵn sàng tham gia hỗ trợ các nước châu Phi trên tinh thần "muốn đi xa hãy đi cùng nhau". Ông kêu gọi thúc đẩy hơn nữa hợp tác Nam - Nam, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là với sự tham gia của các quốc gia phát triển trong Pháp ngữ. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam đến Hội nghị cấp cao Pháp ngữ với tâm thế không chỉ vì lợi ích kinh tế riêng, mà còn thúc đẩy lợi ích chung và sự phát triển của tất cả thành viên Pháp ngữ.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Franco Tech, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đi tham quan các gian hàng triển lãm của doanh nghiệp Việt Nam. Tại đây, ông khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hợp tác với các đối tác Pháp ngữ. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực.
Cùng ngày 4-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng tiếp ông Geoffroy Roux De Bezieux - chủ tịch danh dự của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp, chủ tịch Liên minh các nhà tuyển dụng Pháp ngữ và chủ tịch sáng lập Notus Technologies. Trong đó, ông đề nghị Nghiệp đoàn giới chủ Pháp và Liên minh các nhà tuyển dụng Pháp ngữ tăng cường các hoạt động kết nối đầu tư, hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp hai bên có thế mạnh và tiềm năng hợp tác như: năng lượng tái tạo; xử lý nước thải, tái chế chất thải; phát triển cơ sở hạ tầng và logistics; công nghệ và đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số; y tế và dược phẩm.
Chiều tối 4-10 (giờ Việt Nam), lễ đón chính thức trưởng đoàn các thành viên Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) dự Hội nghị cấp cao lần thứ 19 đã diễn ra tại lâu đài Villers-Cotterets, cách Paris khoảng 80km về phía đông bắc. Đích thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo đã ra chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các trưởng đoàn khác.
Đăng thảo luận