Tất yếu của thời đại
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) Hoàng Vĩnh Hưng, với tốc độ đô thị hóa đang ngày càng gia tăng, dẫn đến những áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh là xu hướng tất yếu, cách tiếp cận để kiến tạo các TP thân thiện với môi trường bằng cách giảm chất thải vả khí thải, thúc đẩy việc tạo ra những không gian xanh, vật liệu xây dựng bền vững, hỗ trợ phương tiện di chuyển không phát thải và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng, tài nguyên.
“Quy hoạch và phát triển đô thị xanh được xem là xu hướng tất yếu của thời đại, thúc đẩy các giải pháp tạo ra nhiều lợi ích về môi trường và xã hội bao gồm: Tăng cường khả năng hấp thụ khí thải, giảm nhiệt độ của đô thị một cách tự nhiên, cắt giảm khí thải giảm ô nhiễm không khí, giảm tiếng ồn, yếu tố gây căng thẳng. Đồng thời giúp cải thiện sức khỏe người dân và thúc đẩy phúc lợi cộng đồng, cải thiện giá trị BĐS” - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia Hoàng Vĩnh Hưng nhìn nhận.
Phát triển các công trình hạ tầng, nhà ở xanh là xu hướng tất yếu hiện nay.Các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, công tác quy hoạch và phát triển đô thị xanh còn là giải pháp đối phó với thách thức mới về biến đổi khí hậu (BĐKH) và sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tại Việt Nam, quy hoạch và phát triển đô thị xanh được coi là mục tiêu và giải pháp quan trọng trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Trong đó, Nghị quyết 06/NQ-TW năm 2022 của Bộ Chính trị về xậy dựng quy hoạch và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045 có vai trò định hướng, chỉ đạo xuyên suốt.
Bên cạnh đó, thời gian qua Bộ Xây dựng – với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực ngành cũng đã ban hành nhiều chương trình hành động triển khai các Nghị quyết, Chiến lược của Đảng, Chính phủ về các lĩnh vực tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH, phát triển đô thị bền vững. Đồng thời triển khai nhiều hoạt động, dự án hợp tác, công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này.
Triển khai đồng bộ hệ thống quy định pháp lý
Hiện nay, trước tình trạng “ngột ngạt” của cuộc sống đô thị, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí... khiến cho nhu cầu tìm kiếm những sản phẩm BĐS tại các khu đô thị xanh để tận hưởng cuộc sống của người dân ngày càng gia tăng và những đô thị xanh đang trở thành yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng của các dự án BĐS.
“Nếu như trước đây, người dân mua nhà chỉ chú ý đến yếu tố “an cư” thì hiện này chất lượng cuộc sống tại những khu vực nhà ở đang được đặt lên hàng đầu, cùng với đó các sản phẩm BĐS xanh còn giúp tiết kiệm nguồn năng lượng. Đồng thời việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh còn giúp giảm đáng kể nguồn ô nhiễm và giảm áp lực lên nguồn tài nguyên vốn đang bị rơi vào tình trạng cạn kiệt” - Giám đốc Quy hoạch và Hạ tầng (Công ty tư vấn quốc tế enCity) Phạm Hoàng Hải nhận xét.
Còn theo Phó trưởng phòng Phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) Lê Thúy Hà, hiện nay không chỉ chính sách của Nhà nước đã có sự thay đổi theo hướng khuyến khích việc phát triển dự án xanh; mà các chủ đầu tư có tiềm lực và bản thân những người dân cũng hướng đến việc thay đổi tiêu chí về nhà ở.
Hiện nay, việc quy hoạch “xanh” trong phát triển đô thị còn nhiều thách thức như mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị chưa hợp lý; phát triển thiếu đồng bộ, dàn trải; nhận thức về đô thị xanh chưa đầy đủ. Tuy nhiên, công tác này cũng có thuận lợi và cơ hội khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 06-NQ/TW; đô thị phát triển đa dạng bản sắc, nhiều quy mô nhỏ và vừa; có sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến 4.0; hệ thống pháp luật từng bước phát triển...
Như vậy, quy hoạch đô thị xanh đã được thống nhất từ cấp độ quy hoạch quốc gia, thể hiện rõ tính liên kết hữu cơ theo tầng bậc, mạng lưới – vành đai – chuỗi – dải, phát triển hợp lý theo các vùng lãnh thổ đặc thù để phát triển kinh tế, hỗ trợ và cạnh tranh, đảm bảo phát huy chức năng động lực vùng và quốc gia, nâng cao sức chống chịu... đây cũng là tiền đề “xanh” cho quy hoạch đô thị ở các loại.
“Cấu trúc đô thị xanh sẽ được phát triển theo dạng tập trung hoặc kết hợp xây dựng những công trình, nhà ở theo kiểu đô thị nén và phát triển phức hợp, đa năng... làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên cũng như chi phí xây dựng hạ tầng, tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển. Quy hoạch và thiết kế đô thị tối ưu cho sử dụng đất hỗn hợp sẽ giảm thiểu yếu tố giao thông, linh hoạt trong phát triển” - Phó trưởng phòng Phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) Lê Thúy Hà cho hay.
Đăng thảo luận