Lễ hội Sông nước TP HCM được kỳ vọng tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần định vị thương hiệu và khai thác tiềm năng rất lớn của không gian giao thông - du lịch sông nước

Từ ngày 31-5 đến 9-6, Lễ hội Sông nước TP HCM lần 2 năm 2024 sẽ diễn ra tại nhiều địa điểm trên khắp thành phố. Điểm nhấn của lễ hội chính là chương trình nghệ thuật khai mạc với chủ đề "Chuyến tàu huyền thoại", diễn ra lúc 20 giờ đến 21 giờ 30 phút ngày 31-5 tại Khu Nhà Rồng Khánh Hội - cảng Sài Gòn, quy mô hơn 1.000 diễn viên và 9.000 người tham dự trực tiếp.

"Bữa tiệc" của nghệ thuật

Chiều 30-5, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết mọi công đoạn đang gấp rút được triển khai và hoàn tất cho ngày khai mạc Lễ hội Sông nước TP HCM năm 2024.

Trong đêm khai mạc, chương trình "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại" tái hiện những chuyến tàu đặc biệt đã từng đến và đi trên sông Sài Gòn, là những chuyến tàu lịch sử gắn với những dấu mốc quan trọng của dân tộc. Là những hải thuyền đầu tiên của người Việt được hạ thủy, là chuyến tàu ra khơi mang theo vận mệnh cả dân tộc, là những trận đánh tàu vang dội trên sông, là những chuyến tàu đoàn tụ sau hàng chục năm xa cách, những chuyến tàu đưa thương hiệu Việt đi khắp năm châu. Chương trình sử dụng các kỹ xảo điện ảnh, công nghệ trình chiếu 3D Mapping, màn hình nước, sân khấu chuyển động trên nước, trình diễn drone, bắn pháo hoa…, hứa hẹn sẽ đem đến một chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội mãn nhãn.

 Thổi hồn vào du lịch sông nước 第1张

Lễ hội Sông nước TP HCM lần 2 năm 2024 sẽ khai mạc vào tối 31-5 tại Khu Nhà Rồng Khánh Hội - cảng Sài Gòn. Ảnh: CHÍ HÙNG

Chia sẻ tại họp báo Lễ hội Sông nước TP năm 2024, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết lễ hội được đầu tư quy mô nhằm truyền tải thông điệp một cách hấp dẫn. Chủ đề chính của lễ hội năm nay là "Chuyến tàu huyền thoại", truyền tải thông điệp sâu sắc từ những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc đến với ngày càng nhiều công chúng quốc tế. "Lễ hội khẳng định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố, đem đến các giá trị cho du lịch - kinh tế và văn hóa - xã hội" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng nói.

Bên cạnh show diễn hoành tráng trong đêm khai mạc, lễ hội còn có gần 20 hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch - mua sắm - ẩm thực khác. Với các hoạt động thể thao dưới nước, hiện đã có 200 vận động viên bơi và 180 vận động viên ván chèo đứng tham gia Giải Vô địch Bơi vượt sông, Giải Vô địch Ván chèo đứng (SUP) cùng các hoạt động trình diễn mô tô nước, dù lượn, thuyền buồm, thuyền sailing... Ngoài ra, các hoạt động diễu hành trên sông, không gian tái hiện chợ nổi miền Tây, tuần lễ trái cây trên bến dưới thuyền, không gian văn hóa - văn nghệ, trò chơi dân gian, hội thi ẩm thực sông nước... đều đã chuẩn bị sẵn sàng, hứa hẹn mang đến một mùa lễ hội sống động.

Khai thác sức hút của đô thị sông nước

Các chuyên gia du lịch kỳ vọng lễ hội sẽ cho thấy sức hút của sông nước TP HCM đối với các hoạt động du lịch, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, sau khi TP HCM tiến hành chỉnh trang đô thị, khu vực Bến Bạch Đằng, cầu Ba Son và ven sông ở TP Thủ Đức…, diện mạo sông nước vùng trung tâm thành phố đã khang trang hơn.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, nhận định: "Quá nhiều tiềm năng cho du lịch sông nước phát triển. Không chỉ thúc đẩy để thu hút du khách trong nước và quốc tế mà còn quảng bá hình ảnh, phát triển kinh tế, văn hóa. Nếu sau lễ hội, thành phố tiếp tục đầu tư vào quy hoạch đồng bộ về hệ thống tàu thuyền, bến cảng, chỉnh trang hai bên bờ sông... sẽ giúp du lịch đường sông thêm sản phẩm, tạo sức hút với du khách".

TP HCM thời gian qua đã đặt mục tiêu trở thành thành phố lễ hội. Trong đó, sông nước là lợi thế, là tài nguyên, di sản và cũng là chất liệu để xây dựng điểm nhấn cho du lịch; tạo ra giá trị bản sắc độc đáo riêng vốn có của một "đô thị sông nước". Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty Du lịch TSTtourist, nói rằng những người làm du lịch như ông rất hạnh phúc khi dòng sông đã được sống lại đúng nghĩa, được "thổi hồn". Thái Lan đã đưa Lễ hội Songkran từ dịp tết cổ truyền trở thành sản phẩm độc đáo. TP HCM cũng hoàn toàn có cơ hội với Lễ hội Sông nước nếu được quảng bá, xúc tiến đúng cách.

"Cần truyền thông, quảng bá để du khách biết rằng cứ dịp tháng 5 - 6 hằng năm sẽ có lễ hội sông nước sống động, chuyên nghiệp, trở thành một sản phẩm để du khách đến, trải nghiệm. Khi đó, những dòng sông của thành phố sẽ đóng góp nhiều hơn vào quá trình hoạt động, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của thành phố" - ông Mẫn kỳ vọng. 

Loạt chương trình kích cầu du lịch, mua sắm

Theo thống kê của Sở Du lịch TP HCM, trong khuôn khổ lễ hội, đã có hơn 100 doanh nghiệp công bố và áp dụng các chính sách ưu đãi về giá, chương trình khuyến mãi cho các dịch vụ mua sắm, ăn uống, tham quan, tour tuyến cho người dân và du khách. Đặc biệt, 15 thương hiệu nổi tiếng cung cấp voucher điện tử giảm giá đến 50%, không giới hạn số lượng cho các hãng hàng không, áp dụng cho khách đi máy bay đến thành phố trong sự kiện lễ hội cùng một loạt chương trình kích cầu giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật khác trong thời gian này.

 Thổi hồn vào du lịch sông nước 第2张

 Thổi hồn vào du lịch sông nước 第3张

 Thổi hồn vào du lịch sông nước 第4张

 Thổi hồn vào du lịch sông nước 第5张

 Thổi hồn vào du lịch sông nước 第6张