(NLĐO) - Cụm mộ cổ có niên đại xa hơn tới 100.000 năm so với thời điểm mà loài người Homo sapiens chúng ta được cho là biết chôn người chết.
Theo Science Alert, một cuộc khai quật ở Nam Phi đã tiết lộ một cụm mộ cổ gây sốc. Các hài cốt bên trong là một loài có hình dáng tương đối giống loài người Homo sapiens chúng ta, nhưng sống trên cây và có bộ não nhỏ hơn nhiều.
Tất nhiên, những người đắp mộ cũng không phải Homo sapiens, loài được cho là người tinh khôn hay người hiện đại, tức chúng ta.
Hang động Cradle of Humankind ở Nam Phi, nơi ngôi mộ cổ do một loài khác tạo ra được tìm thấy - Ảnh: Maropeng
Họ - những người nằm trong mộ cổ lẫn đắp mộ - được xác định là Homo naledi, một loài cùng chi Homo (chi Người) với chúng ta, nhưng vẫn còn mang dáng dấp vượn nhân hình.
Các hài cốt hiện nay nằm sâu khoảng 30 m dưới lòng đất trong hệ thống hang động Cradle of Humankind (Cái nôi của loài người) gần Johannesburg, một địa điểm được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Vào 200.000 năm trước, thời điểm ngôi mộ cổ này được tạo ra, có thể các hài cốt được chôn nông hơn nhiều, trước khi bị các lớp trầm tích liên tiếp phủ lên trên.
Các phần hài cốt được tìm thấy sâu bên dưới lòng đất ở hang động Cradle of Humankind - Ảnh: Lee Berger và cộng sự
“Đây là hành vi chôn cất cổ xưa nhất được ghi lại trong hồ sơ nhân loại, sớm hơn bằng chứng về hành vi chôn cất của Homo sapiens ít nhất 100.000 năm” - nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Lee Berger từ Đại học Witwatersrand (Nam Phi) và Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ cho biết.
Những ngôi mộ cổ xưa nhất mà loài Homo sapiens chúng ta tạo ra trước đây được tìm thấy ở Trung Đông và châu Phi, có niên đại khoảng 100.000 năm.
Đăng thảo luận