(NLĐO) - Thử nghiệm động vật cho thấy một tác dụng tốt của việc ăn kiêng kiểu "nhịn ăn gián đoạn" lại có thể vô tình làm tăng nguy cơ ung thư.

Theo Science Alert, một nhóm khoa học gia quốc tế đã thử nghiệm trên chuột để tiếp nối một nghiên cứu trước đó, chỉ ra việc ăn kiêng theo kiểu nhịn ăn gián đoạn ở chuột có thể thúc đẩy khả năng tái tạo của tế bào gốc đường ruột.

Điều này tuy giúp bảo vệ khỏi một số tình trạng viêm và tổn thương nhưng lại gây ra rủi ro đối với bệnh ung thư.

 Một kiểu ăn kiêng nhiều người áp dụng có thể kích hoạt ung thư? 第1张

Người ăn kiêng bằng cách nhịn ăn gián đoạn có thể gặp rủi ro với một số món ăn - Minh họa AI: THU ANH

Trong bài công bố trên tạp chí khoa học Nature, các nhà khoa học chỉ ra rằng sự gia tăng sản xuất tế bào gốc này tăng tốc khi các con chuột ăn lại sau thời gian nhịn ăn trong ngày.

"Hoạt động của tế bào gốc nhiều hơn sẽ tốt cho quá trình tái tạo nhưng nếu hoạt động quá mức theo thời gian có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn" - nhà sinh vật học Omer Yilmaz đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đồng tác giả, giải thích.

Ngoài ra, rắc rối tăng thêm nếu bữa ăn sau đó đưa vào cơ thể các hợp chất như amin dị vòng trong thịt bị cháy xém.

Các hợp chất này đã được khoa học chứng minh là có thể gây ra đột biến gen. Khi nó được đưa vào đúng lúc tế bào gốc đang được tái tạo quá mức, nguy cơ gây ra các khối u ung thư sẽ tăng.

Nhóm nghiên cứu cũng xác định được một con đường sinh học gọi là mTOR , mà các tế bào gốc thông qua đó hoạt động.

Con đường này liên quan đến sự phát triển và trao đổi chất của tế bào và sau khi nhịn ăn, nó làm tăng sản xuất các phân tử nhỏ gọi là polyamines, thúc đẩy sự tăng sinh tế bào.

Các phân tử này đóng vai trò then chốt giúp cơ thể phục hồi và tái tạo sau khi bị thiếu hụt chất dinh dưỡng và năng lượng do chế độ ăn uống thông thường cung cấp.

Tuy nhiên, nghiên cứu chứng minh khả năng sinh ra khối u cũng tăng lên, đặc biệt là trong điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của ung thư.