Chỉ vì chủ quan, bất cẩn khi làm việc, người lao động phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình
Do chủ quan không mang bảo hộ lao động khi bốc dỡ hàng hóa khiến anh Võ Hoàng Khải (SN 2005) suýt phải trả giá bằng cả mạng sống do ngộ độc khí. Đến nay, dù đã loại trừ hết khí độc và được xuất viện sau thời gian điều trị tích cực nhưng anh vẫn phải chịu nhiều di chứng khó thở, không thể làm việc nặng…
Trả giá bằng sức khỏe
Ngày 9-8, anh Khải cùng 3 lao động khác nhận việc bốc xếp hàng hóa cho Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật T.N (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh). Đến chiều cùng ngày, khi 4 công nhân (CN) cùng 1 tài xế đến phụ đang thực hiện bốc dỡ hàng (là hóa chất PAC xử lý nước, nhập khẩu từ Ấn Độ) từ container vào kho chứa hàng thì cả 5 người này có biểu hiện tím tái, khó thở. Ngay lập tức, cả 5 người được đưa đến Bệnh viện huyện Bình Chánh cấp cứu.
Qua chẩn đoán ban đầu, cả 5 người đều bị suy hô hấp cấp, ngộ độc chất vô cơ (Polyaluminium chloride). Sau đó không lâu, 5 người chuyển nặng và đã được các bác sĩ đặt nội khí quản trước khi chuyển lên các bệnh viện tuyến trên. Trong 5 trường hợp có 1 người nguy kịch, 2 người phải thở máy. Điều may mắn là sau quá trình điều trị tích cực, đến nay, anh Khải cùng các đồng nghiệp đã ổn định sức khỏe, hầu hết đã xuất viện.
Tuy nhiên với họ, đây là sự cố để lại nhiều bài học đắt giá. Anh Khải cho biết khi nhận việc, các anh chỉ được biết thông tin qua loa hàng hóa bốc dỡ là hóa chất xử lý nước, không được cảnh báo về nguy cơ rủi ro gây ngộ độc hoặc mất an toàn. Do đó, khi làm việc, anh và đồng nghiệp đều không mang khẩu trang hay trang bị bảo hộ lao động dẫn đến tình trạng ngộ độc.
Điều thiệt thòi khác là nhóm của anh không phải CN ký hợp đồng lao động trực tiếp với công ty mà nhận việc thông qua một người khác (trả công theo ngày) nên khi sự cố xảy ra, công ty chỉ hỗ trợ chi trả viện phí mà không có bất kỳ chế độ hay khoản bồi thường nào khác. "Bài học mà tôi nhận được sau sự việc này là không được chủ quan mà phải luôn cẩn thận tìm hiểu kỹ thông tin hàng hóa, môi trường mình sẽ tiếp xúc khi làm việc" - anh Khải cho hay.
Lãnh đạo Thành ủy, LĐLĐ TP HCM thăm người lao động bị ngộ độc khí tại huyện Bình Chánh
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thanh (quê Cà Mau) cũng phải trả giá vì bất cẩn. Ông Thanh làm CN xây dựng cầu đường 3 năm tại tỉnh Đồng Nai với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2023, trong khi sử dụng máy cắt, do một phút bất cẩn, ông Thanh bị máy cắt lìa 3 đốt ngón tay của bàn tay phải.
Sau tai nạn lao động, ông được đồng nghiệp chở vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai để chữa trị. Nằm viện 1 tuần, sức khỏe ổn định, ông được xuất viện về nhà điều trị. Do hoàn cảnh đơn chiếc, ông Thanh xin về quê để điều dưỡng sức khỏe. Ít lâu sau đó, phía công ty gọi điện mời trở lại làm việc, tuy nhiên vì sức khỏe xuống dốc ông không thể tiếp tục công việc. Hiện ông xin làm bảo vệ tại một công ty gần nhà với thu nhập 3 triệu đồng/tháng.
Không chủ quan với bệnh nghề nghiệp
Không chỉ tai nạn lao động, người lao động còn phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn của bệnh nghề nghiệp (BNN) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay, BNN chưa được quan tâm đúng mức.
Anh Nguyễn Minh Hải, CN gò hàn tại một doanh nghiệp ở quận Bình Tân, là một ví dụ. Trong đợt dịch COVID-19, anh Hải đã 2 lần nhiễm bệnh khiến sức khỏe bị giảm sút. Do đặc thù công việc nên anh thường xuyên phải tiếp xúc các yếu tố độc hại. Dù doanh nghiệp có trang bị bảo hộ lao động song năm 2023, anh Hải vẫn nhiễm lao phổi cùng nhiều bệnh mạn tính khác... Anh đã phải tạm ngưng công việc suốt mấy tháng để điều trị bệnh lao.
Hiện, dù bệnh đã được kiểm soát, anh Hải đã đi làm trở lại song sức khỏe cũng suy giảm. Các con đều còn nhỏ lại phải phụng dưỡng cha mẹ già, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên dù sức khỏe chưa thể phục hồi hẳn, anh cũng phải cố gắng làm việc.
17 năm làm CN may tại một công ty may mặc ở KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM), chị Nguyễn Thị Thương (47 tuổi, quê Bình Định) đã mắc phải nhiều căn bệnh như viêm xoang do thời gian dài hít bụi vải trong nhà máy. Chị cũng thường xuyên bị đau cổ, vai, gáy do chỉ ngồi làm việc với một tư thế cố định suốt nhiều giờ mỗi ngày. Chị Thương cho biết khi còn trẻ, chị không quan tâm đến các bệnh liên quan đến nghề nghiệp cũng như rất ít khám sức khỏe tổng quát.
Đăng thảo luận