Chiều 14/10, trong khuôn khổ chương trình Đại hội đại biểu Hội LHTN TP Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên Thủ đô với chủ đề: “Thanh niên tham gia xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”. Đây là lĩnh vực TP đang quan tâm và ưu tiên dành các nguồn lực để đầu tư.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên Thủ đôThanh niên tham gia xây dựng Thủ đô xanh
Tại buổi đối thoại, các đại biểu nêu câu hỏi, ý kiến, đề xuất giải pháp, tham gia hiến kế tập trung vào các nhóm vấn đề chính. Trong đó, nhóm vấn đề "Hà Nội xanh" với các nội dung, giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên thanh niên trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp; ứng dụng năng lượng xanh và quy hoạch vùng đô thị.
Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN quận Ba Đình Phạm Thu Phương chia sẻ, vừa qua, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc vừa trải qua cơn bão số 3 (bão Yagi) - cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng đổ bộ vào Việt Nam. Công tác phòng chống bão, cũng như tái thiết sau siêu bão được toàn thể Nhân dân chung tay đã thể hiện một tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam, thể hiện rõ ràng vai trò của MTTQ Việt Nam cùng toàn thể các tổ chức chính trị - xã hội.
Tuy nhiên một trong những nguyên nhân sâu xa khiến ảnh hưởng của bão Yagi lớn đến như vậy là do sự biến đổi khí hậu, do ô nhiễm môi trường từ các nhà máy, phương tiện giao thông,... cũng như nạn phá rừng và khai thác tài nguyên quá mức.
Các đại biểu tham dự chương trình“Trong thời gian tới, lãnh đạo UBND TP cũng như các sở, ngành có những chủ trương, giải pháp gì để góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô” - đại biểu Phạm Thu Phương nêu câu hỏi.
Trong khi đó, Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) Hà Trần Trung đặt câu hỏi: "Trong những năm qua thành phố đã áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp để hạn chế và xử lý hiện tượng quảng cáo, rao vặt trái phép, tuy nhiên, hiện nay các bảng rao vặt tập trung đã được dán kín, một số trụ điện, bức tường... bắt đầu xuất hiện lại việc quảng cáo rao vặt trái phép gây mất mỹ quan đô thị. Thành phố có giải pháp, biện pháp gì để xử lý hiện tượng này triệt để"?
Ngoài ra, Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN phường Đức Thắng cũng đề xuất lãnh đạo TP trong thời gian tới tiếp tục nhân rộng mô hình bảng quảng cáo rao vặt tập trung. Đồng thời, nghiên cứu nhiều hình thức bảng quảng cáo thay vì hình chữ nhật thì có thể là hình trụ xoay.
Cùng với đó, cho xây dựng "góc quảng cáo rao vặt trực tuyến" thí điểm tại các trang thông tin điện tử của các quận, huyện trung tâm, các đơn vị muốn đăng ký quảng cáo sẽ gửi thông tin về phường kiểm duyệt và phối hợp UBND phường cho đăng tin.
Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, nhiều năm nay, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp cải thiện ô nhiễm môi trườngThanh niên phải tiên phong đi đầu với các phong trào thiết thực, cụ thể
Trả lời đại biểu Phạm Thu Phương, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, nhiều năm nay, TP đã đưa ra nhiều giải pháp cải thiện ô nhiễm môi trường; trong đó, đang triển khai 5 nhóm giải pháp chính.
Một là, TP tăng cường cải tạo và bảo vệ môi trường đô thị gắn với quy hoạch phát triển Thủ đô. Theo đó, tiếp tục thực hiện các biện pháp cải tạo và xử lý ô nhiễm các hồ nước và hệ thống sông ngòi; mở rộng hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí và nước...
Hai là, TP thực hiện các giải pháp chuyển đổi năng lượng sang năng lượng và phát triển đô thị thông minh. Dựa trên cơ sở của Luật Thủ đô năm 2024 và quy hoạch phát triển đô thị, Hà Nội sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời mái nhà sẽ là trọng tâm trong chiến lược tiết kiệm năng lượng. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Các đại biểu tham dự chương trìnhBa là, TP tập trung phát triển giao thông xanh, thông minh, tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại. Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng đô thị thông minh, áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và vận hành giao thông, hướng đến việc xây dựng một hệ thống giao thông tích hợp, thân thiện với người sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao hiệu quả giao thông đô thị.
Bốn là, TP phát triển không gian công cộng, không gian xanh theo mô hình đô thị vệ tinh. TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải tạo và xây dựng các không gian công cộng, không gian xanh tại khu vực nội đô, đồng thời bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa, tạo nên bản sắc riêng cho Hà Nội theo tinh thần "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Năm là, TP đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Thủ đô 2024, trong đó có nhiều cơ chế đặc thù về phát triển hạ tầng giao thông, xử lý chất thải rắn... góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô.
“Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường phải có sự liên kết vùng, liên kết với các tỉnh bạn để hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm. Quan trọng nhất, chúng ta cần xây dựng ý thức chung tay bảo vệ môi trường của cộng đồng, trong đó, đoàn viên, thanh niên phải tiên phong đi đầu với các phong trào thiết thực, cụ thể” - Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng trao đổi tại buổi đối thoạiTrả lời đại biểu Hà Trần Trung trước việc quảng cáo rao vặt xuất hiện trở lại, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, giải pháp trước hết là phạt tiền theo các mức quy định với các hành vi vi phạm. Sau đó, các cơ quan chức năng kết hợp với ngành Thông tin & Truyền thông xử lý các số điện thoại được dán tràn lan gây mất mỹ quan đô thị. Việc cho phép dán quảng cáo tập trung cũng là một hình thức hay. Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội cũng đã tham khảo, nghiên cứu và tính đến việc thực hiện các bảng quảng cáo có trụ xoay.
Với đề xuất cho xây dựng "góc quảng cáo rao vặt trực tuyến", Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao đánh giá đây là mô hình rất hay và hiệu quả. “Các đoàn viên thanh niên, đặc biệt là những đoàn viên thanh niên ưu tú về dự Đại hội sẽ khảo sát trên chính địa bàn nơi đang sinh sống và học tập, những khu vực mà các bạn trẻ có nhu cầu đi làm những công việc được đăng tải trên các mẩu quảng cáo, rao vặt này. Điều đó giúp cho việc kết nối giữa "việc tìm người, người tìm việc" theo hình thức chuyển đổi số được hiệu quả hơn, mang lại mỹ quan đô thị, mang lại không gian xanh, sạch, văn minh, hiện đại cho Thủ đô Hà Nội” - Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, việc phát triển Hà Nội thành một thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại là nhiệm vụ trọng yếu của toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻPhát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, việc phát triển Hà Nội thành một thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại là nhiệm vụ trọng yếu của toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô đã đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm phát triển vùng và quốc gia, có khả năng cạnh tranh cao trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, thanh niên cần đóng vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, và phát triển kinh tế số.
Đánh giá cao những ý kiến và đóng góp của thanh niên tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đề nghị các sở, ban, ngành tiếp tục lắng nghe, tiếp thu và giải quyết các kiến nghị của thanh niên; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên tham gia các hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo, và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cũng đề xuất việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho thanh niên. Từ đó, giúp thanh niên nhận thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Đăng thảo luận