Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã yêu cầu Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco) có phương án tổ chức xe trung chuyển khách đến các bến xe liên tỉnh. Hành khách lại hy vọng phương án lần này sẽ sớm có hiệu quả.
Xe trung chuyển của Hãng xe khách Phương Trang tại TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN
Phương án lần này ra sao? Bao giờ hành khách được hưởng dịch vụ xe trung chuyển tiện lợi, tiết kiệm và hiệu quả nhất?
- Chị NGUYỄN THỊ NHƯ (quê tỉnh Lâm Đồng):
Chúng tôi chờ đợi quá lâu
Giá vé xe từ TP.HCM về Lâm Đồng tôi thường đi khoảng 260.000 - 370.000 đồng/khách cho sáu tiếng đồng hồ trên xe khách. Cứ mỗi lần về quê chị phải mất gần hai tiếng đồng hồ để chuẩn bị và di chuyển đến bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức, TP.HCM).
Tổ chức nhiều điểm chuyển tiếp cho khách đi và đến bến xe Miền Đông mớiĐỌC NGAY
Nếu đi xe buýt phải ít nhất hai chặng xe còn đi taxi cho nhanh tốn thêm số tiền tương đương tiền vé xe về tới Lâm Đồng.
Mỗi lần đi về, nếu dẫn theo con nhỏ, đồ đạc nữa... vô cùng mệt mỏi và tốn kém khi đến bến và từ bến về đến nhà. Cho nên, việc kết nối thêm xe tiếp chuyển thực hiện trung chuyển khách sẽ giúp hành khách đi xe trong bến đi lại thuận tiện hơn. Chúng tôi mong chờ quá lâu rồi.
Tôi mong các quận huyện đều có những điểm đón khách cố định, khách không phải chờ quá lâu. Hiện nay, hầu hết xe trung chuyển chỉ có tài xế, không có nhân viên hỗ trợ khách chuyển vali, đồ đạc... Việc này cần tính toán thêm để khách lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai đỡ cực.
- Anh ĐỨC THẮNG (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM):
4 năm đã quá dài
Bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động từ tháng 10-2020. Sắp tròn bốn năm nhưng phương án xe trung chuyển vẫn chưa ổn. Đây là một rào cản lớn với hành khách chúng tôi.
Bến xe ở xa đương nhiên phải có dịch vụ xe trung chuyển. Dịch vụ có thể thu tiền nhưng phải làm cho được. Vì sao các nhà xe ngoài bến có thể đưa đón khách ở rất nhiều nơi trong nội đô, các xe trong bến lại thiếu điều kiện này?
Mạnh nhà xe nào tổ chức đưa đón khách của mình sẽ sinh ra rất nhiều điểm đón khắp nơi, khó quản lý. Việc này đã tồn tại hàng chục năm.
Việc đưa đón khách từ nội đô đến bến xe liên tỉnh phải được tổ chức tốt nhất, thuận tiện nhất, trật tự nhất. Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu rồi. Chúng tôi mong thấy sự quyết liệt từ cơ quan chức năng trong việc tổ chức xe trung chuyển.
Quá muộn rồi! Đừng để hành khách chờ thêm nữa!
- Ông NGUYỄN LÂM HẢI (phó giám đốc bến xe Miền Đông mới):
Giảm "xe dù, bến cóc"
Hiện bến xe Miền Đông mới đã gửi văn bản đến các đơn vị vận tải hoạt động trong bến để tổng hợp nhu cầu dùng mô hình tiếp chuyển trung chuyển khách. Hầu hết là những doanh nghiệp chưa có dịch vụ trung chuyển. Sau 10 ngày tổng hợp, bến xe sẽ căn cứ vào đó để báo cáo Samco có tổ chức phù hợp.
Để phương án tiếp chuyển hành khách được hiệu quả, bến xe mới cũng mong muốn các sở ngành nghiên cứu cấm ô tô khách trên 29 chỗ và xe giường nằm vào khu vực trung tâm thành phố (ngoại trừ các loại xe buýt, xe phục vụ đám tang, đám cưới, đưa rước học sinh, sinh viên, đưa rước cán bộ - công nhân viên).
Khách được tiếp chuyển thế nào?
Theo phương án Samco đã xây dựng sẽ có xe trung chuyển đưa đón khách từ các điểm đón ở các quận huyện đến bến xe (và ngược lại). Việc hành khách đăng ký đi xe trung chuyển và việc tổ chức xe trung chuyển đều thông qua ứng dụng, phần mềm. Khách đi xe có thể tải ứng dụng để đăng ký.
Hành khách sẽ được đón, trả tại các điểm cố định (ở bến xe, trung tâm thương mại, bệnh viện... và các điểm khác) được cập nhật trên phần mềm. Xe trung chuyển là các loại xe từ 29 chỗ trở xuống.
Thời gian vận chuyển xuyên suốt 24 giờ trong ngày và tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, Tết. Chi phí tiếp chuyển hành khách được tính vào giá vé do đơn vị vận tải tuyến cố định xây dựng và kê khai giá.
Hiện nay, các bến xe đang ghi nhận nhu cầu từ các doanh nghiệp có xe ra vào bến. Sau đó sẽ có báo cáo để Samco có phương án tổ chức tiếp chuyển hành khách.
2 giai đoạn tổ chức tiếp chuyển
Việc triển khai mô hình tiếp chuyển được Sở Giao thông vận tải TP.HCM tính toán làm hai giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn đầu sẽ làm tại bến xe Miền Đông mới, tổ chức trung chuyển tại một số khu vực trung tâm thành phố gồm: quận 1, 3, 5, 7, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và TP Thủ Đức.
Theo nhu cầu của người dân, Samco sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải để tiếp tục mở rộng nơi hoạt động đến các quận huyện khác.
Giai đoạn 2, tại các bến xe liên tỉnh còn lại (bến xe Miền Tây, Miền Đông, An Sương, Ngã Tư Ga). Dự kiến trong năm 2025 hoặc khi việc trung chuyển khách đi, đến bến xe Miền Đông mới được ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Trước khi đề xuất giai đoạn 2, Samco sẽ có báo cáo tình hình hoạt động của phương án trung chuyển trong giai đoạn đầu để đề xuất việc tiếp tục làm tại các bến xe khác.
Đăng thảo luận