'Hai vợ chồng tôi không nghĩ về quá khứ học giỏi, rồi đổ thừa cho số phận nếu mình nghèo'.

"Năm 2012, hai vợ chồng tôi, vợ tốt nghiệp thạc sĩ, chồng tiến sĩ đại học top nước Nhật, cũng đau đáu nỗi đau: "Ủa, sao mình học giỏi mà lương nó bèo vậy, bao giờ mới mua nhà mua xe?".

Năm 2024, chúng tôi đã có ba căn nhà, hai công ty và chồng tôi cũng xin được chức phó giáo sư ở Nhật. Tôi nghĩ rằng qua con đường của mình, học giỏi chỉ giúp bạn lấy tấm bằng, tự học tự vươn lên mới giúp bạn làm giàu.

Tôi thậm chí có bằng về tài chính, chồng tôi dạy Hóa lẫn IT mặc dù chúng tôi đều tốt nghiệp với chuyên ngành Hóa.

>> Tôi có 700 triệu đồng mua nhà dù làm cho công ty nhỏ

Rất nhiều bạn học cùng lớp đại học của chúng tôi còn giàu hơn rất nhiều mặc dù họ học sao thể bằng những người đi du học bằng học bổng như chúng tôi.

Nhưng tôi không buồn, tôi chỉ cần so sánh với bản thân mình, không phải tỵ nạnh với người khác làm gì. Đói đầu gối phải bò, cứ nghĩ về quá khứ học giỏi rồi đổ cho số phận thì cả đời không vươn lên được đâu".

Độc giả Hà nguyễn chia sẻ từng tự đặt câu hỏi "Sao mình học giỏi mà lương lại bèo bọt như vậy, bao giờ mới mua được nhà, xe?" như trên, sau bài viết Đậu đại học khiến gia đình tự hào, có bằng đại học làm tôi xấu hổ.

Độc giả này cho rằng qua những trải nghiệm của mình, cô nhận ra rằng học giỏi chỉ giúp bạn có tấm bằng, còn việc tự học và tự vươn lên mới thực sự mang lại sự giàu có.

Nhiều người, dù đã dày công học tập, tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng, vẫn phải đối mặt với những khó khăn tài chính, là mối quan tâm của nhiều độc giả VnExpress.

Độc giả nickname Richter Phan cho rằng có ô tô, nhà to có thể là niềm tự hào, nhưng không phải là sự đảm bảo cho một cuộc sống ổn định so với việc có bằng đại học phù hợp: "Tác giả học đại học, đầu óc tốt hơn, quan hệ bạn bè ai cũng chất lượng hơn, không dễ dính vào các thói quen xấu do đám người xung quanh rủ rê như cờ bạc, lô đề...

Bạn đi làm lương tháng 15-17 triệu nhưng được công ty đóng BHXH, có BHYT khi ốm đau sẽ được giảm chi phí rất nhiều. Hằng tháng bạn chi tiêu vẫn còn có tiền dành dụm, bạn làm ở thành phố có cơ hội tiếp thu kiến thức mới, ngành nghề kinh doanh mới.

Tới lúc 35-40 tuổi bạn có thể tách ra làm kinh doanh ngoài hoặc hợp sức với người khác làm thêm ngành nghề gì đó. Giàu nghèo không thể hiện ở mỗi nhà to, ô tô xịn, nó thể hiện ở tự do tài chính và tự do về tư duy".

Trong khi đó, Kim Liên cho rằng: "Đại học không thay đổi vận mệnh nhưng cho anh tầm nhìn, tri thức, xuất phát điểm cao đó chứ. Như bà con giàu ở quê anh đó, nếu không học đại học thì giàu một, nhưng nếu họ được học thêm thì không chừng giàu ba, giàu bảy rồi.

Tôi thấy bạn đang an phận với việc làm công ăn lương lâu quá nên thấy mình không nhiều tiền bằng mấy người không học cao như mình nên chơi vơi".

Một quan điểm khác đến từ độc giả nickname anhdung.game, nhấn mạnh rằng nỗ lực không chỉ dừng lại ở việc học hành:

"Có câu nói thế này... nỗ lực 10 năm đèn sách của bạn mà đòi vượt qua nỗ lực ba đời của nhà người ta. Ba mẹ bạn nỗ lực cả đời để bạn có cơ hội học tri thức, giờ tới phiên bạn nỗ lực cả đời để tạo nền tảng cho con bạn vừa có kiến thức, vừa có vốn liếng để cạnh tranh, để làm giàu.

Không ai giàu ba họ, không ai khó b đời. Chỉ cần bạn vượt hơn đời trước là đã thành công rồi. Còn nếu muốn giàu nhanh, phải dám đặt cược nỗ lực của đời trước và của bạn mấy năm nay.

Lấy hết tiền tiết kiệm của bạn, của cha mẹ bạn, cắm đất cắm nhà vay ngân hàng kinh doanh. Thắng được thì tốt, thua thì làm lại từ đầu, bạn dám không?".

Cuối cùng, độc giả minhtbmsg cảnh tỉnh: "Đọc bài viết tôi thấy tác giả tốt nghiệp đại học nhưng chưa đậu, chưa tốt nghiệp trường đời. Không chỉ thân thể của tác giả chen chúc trong gian nhà trọ chật hẹp mà suy nghĩ, tầm nhìn của tác giả cũng đang chưa thoát ra được.

Thay vì ý chí, lòng quyết tâm và sự kiên trì... được nung nấu trong cái nóng hừng hực thì chúng đang dần bị nướng chín. Tuy là khó nghe nhưng mong có thể có ích nào đó. Biết bao nhiêu trường hợp sẽ gặt hái được thành công ở tuổi sự nghiệp sung mãn hay đạt được thành công muộn, trễ?

Con đường phía trước dài đăng đẳng và rộng mở. Nhìn hời hợt không giải được một bài, một vấn đề, nhìn sâu hơn thì thấy không phải là khó. Xem xét tường tận có khi còn tìm ra hơn một cách giải.

Nhìn thấu đáo sự việc còn nhận ra được nhiều hơn. Kết luận không thể làm được một nghề, một vấn đề trong cuộc sống khó hơn nhiều. Vừa không áp dụng, phát huy được nhiều kiến thức đã học, vừa không tiếp tục vận dụng cách thức đã thành công trong học vấn vào đường đời thì thật có chút uổng phí.

Nỗ lực giải bài là chưa đủ. Phải nỗ lực đúng và kiên trì cho tới lúc đủ. Phỏng vấn một triệu người cùng chí hướng, quan điểm để có cùng một câu trả lời thì cũng không là số 100% tròn trĩnh".

*Quan điểm của bạn về chuyện học giỏi mà vẫn nghèo thế nào? Chia sẻ câu chuyện tại đây.

Hữu Nghị tổng hợp