Nhà phê bình điện ảnh Aruna Vasudev là cái tên mà hầu hết các nhà làm phim, nhà hoạt động điện ảnh ở châu Á và trên thế giới đều biết, đều gọi bà là Aruna vừa thân thương vừa trân trọng.
Bà Aruna Vasudev tại HANIFF năm 2012 - Ảnh: HANIFF
Tôi biết tin bà ra đi ở tuổi 88 vào sáng sớm 6-9, khi vừa thức dậy. Bất ngờ, buồn thương và trống trải...
Aruna ra đi thật rồi, mặc dù bà đã mắc bệnh Alzheimer mấy năm nay và ốm do tuổi tác.
Nhưng không còn bà, điện ảnh châu Á không có người thay thế và chắc chắn còn lâu mới có người thay thế!
Aruna - linh hồn của NETPAC
Aruna Vasudev được biết đến là một nhà phê bình, biên tập viên, tác giả sách, nhà làm phim tài liệu, "một học giả lỗi lạc về điện ảnh châu Á" như một số tờ báo nhận xét.
Bà bắt đầu học nhiếp ảnh từ đầu năm 1960 tại New York, từng làm một số phim tài liệu, rồi sang nghiên cứu điện ảnh tại Pháp và trở thành tiến sĩ tại Đại học Sorbonne, Paris năm 1979.
Aruna Vasudev được biết đến là một nhà phê bình, biên tập viên, tác giả sách, nhà làm phim tài liệu, "một học giả lỗi lạc về điện ảnh châu Á" như một số tờ báo nhận xét
Năm 1988, bà cho ra tạp chí Cinemaya - một tạp chí hiếm hoi chuyên đăng bài phê bình các phim mới, các nhà làm phim nổi tiếng hoặc tài năng mới, giới thiệu các liên hoan phim và sự kiện điện ảnh châu Á.
Năm 1991, Aruna sáng lập Mạng lưới thúc đẩy phát triển điện ảnh châu Á NETPAC - Network for the Promotion of Asian Cinema - tổ chức nghề nghiệp phi lợi nhuận của các nhà hoạt động điện ảnh châu Á và trên thế giới với sự bảo trợ của UNESCO, nhằm phát hiện và vinh danh những bộ phim, nhà làm phim châu Á, trao đổi những vấn đề học thuật của điện ảnh châu Á.
Aruna đã hai lần đến dự HANIFF với tư cách chủ tịch ban giám khảo NETPAC và là diễn giả hội thảo về điện ảnh Việt Nam đổi mới. Quả thật, bà là linh hồn của các giải NETPAC Award từ khi nó ra đời và cũng là trung tâm của sự kiện điện ảnh!
Một điều may mắn trong cuộc đời tôi là ngay khi vào nghề, tôi đã được gặp Aruna và được bà quý mến từ lần gặp đầu tiên. Đó là Liên hoan phim Fukuoka lần 2 năm 1992, là một nhà phê bình trẻ, tôi được mời làm diễn giả một hội thảo về điện ảnh Việt Nam.
Bà Aruna (trái) và TS Ngô Phương Lan
Năm ấy Liên hoan phim Fukuoka chọn điện ảnh Việt Nam làm tiêu điểm. Khán phòng trên trăm người, tôi chăm chú vào bài diễn thuyết và không biết phía dưới có những nhà điện ảnh hàng đầu châu Á cũng như quốc tế ngồi nghe.
Hết buổi, rất nhiều người đến chúc mừng, hỏi han, trong đó có bà, Aruna - một phụ nữ Ấn Độ trung niên đẹp mặn mà, giọng trầm ấm, nhìn tôi chăm chú với nụ cười trìu mến.
Nguyên cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan nhận Huân chương Lao động hạng nhì
Thành lập Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam
Bà hỏi tôi những đánh giá cá nhân về điện ảnh Việt Nam đổi mới, về đạo diễn Đặng Nhật Minh, về những đạo diễn trẻ Việt Nam...
Rồi bà nói chắc chắn sẽ đặt tôi viết bài cho tạp chí Cinemaya. Ít lâu sau, tôi nhận được thư bà đặt bài tôi.
Vâng, nếu không có Aruna và Cinemaya, tôi không thể có tên trong những tạp chí, những cuốn sách về điện ảnh châu Á.
Quan trọng hơn, con đường phê bình điện ảnh của tôi có lẽ chỉ giới hạn bên trong biên giới, thậm chí tôi có thể chỉ "an phận" làm một công chức mẫn cán ở Cục Điện ảnh.
Tôi viết cho Cinemaya về phim tài liệu Việt Nam như "những nhân chứng lịch sử", về làn sóng phim đổi mới của các đạo diễn Việt Nam thế hệ thứ hai, về phim của Đặng Nhật Minh (Thương nhớ đồng quê) hay của Lê Hoàng (Ai xuôi vạn lý), Hồ Quang Minh (Thời xa vắng)... Bài viết nào cũng được Aruna đón nhận và khích lệ.
Một người quá yêu Việt Nam
Đầu năm 2000, Aruna đặt tôi viết một chương phác toàn cảnh điện ảnh Việt Nam trong cuốn sách về điện ảnh châu Á Being & Becoming - the Cinema of Asia do bà chủ biên.
Bà đặt lại tên chương tôi viết là A Time to Die, A Time to Live làm lúc đầu tôi hơi ngỡ ngàng nhưng ngẫm nghĩ thấy đúng, vì có đất nước nào mà con người phải đối mặt với đạn bom và cái chết dài lâu như vậy để đi đến chiến thắng, để có cuộc sống hòa bình?
Nhìn chương sách dày dặn về điện ảnh Việt Nam trong cuốn sách hoành tráng gần 600 trang (xuất bản năm 2002), tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc!
Rồi cũng chính bà với vai trò chủ tịch NETPAC khích lệ tôi hoàn thành bản thảo một cuốn sách để NETPAC xuất bản và phát hành.
Vậy là cuốn Tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam của tôi sau khi dịch sang tiếng Anh với tiêu đề Modernity and Nationality in Vietnamese cinema đã được Aruna cùng một nhà phê bình điện ảnh uy tín là Philip Cheah - giám đốc Liên hoan phim quốc tế Singapore suốt hai chục năm - biên tập vô cùng công phu và kỹ lưỡng để in ấn, xuất bản và phát hành trên thế giới vào năm 2007.
Có lẽ Việt Nam là một trong những đất nước Aruna rất yêu mến, điện ảnh Việt Nam được bà rất ưu ái và quan tâm.
Hai cuốn sách về điện ảnh châu Á Being & Becoming - the Cinema of Asia do Aruna chủ biên cùng cuốn sách Modernity and Nationality in Vietnamese cinema của tác giả bài viết, do NETPAC xuất bản và phát hành
Những cố gắng không mệt mỏi
Tôi trở thành thành viên của NETPAC khá sớm, cho đến nay đã được gần ba chục năm. Niềm vui của tôi nhân lên khi được gặp Aruna trong những lần đi làm giám khảo LHP hoặc dự hội thảo quốc tế.
Nhớ có lần được mời đến New Delhi là giám khảo tại LHP Osian's Cinefan do Arura sáng lập và làm chủ tịch, sau bế mạc tôi ra sân bay cho kịp chuyến bay đêm. Tranh thủ giở mấy kịch bản ra đọc, nào ngờ lỡ mất giờ bay. Tôi đành gọi xe quay lại khách sạn.
Tài năng điện ảnh châu Á hội ngộ ở Đà Nẵng
Các nhà làm phim châu Á chia sẻ tình yêu điện ảnh
Điện ảnh châu Á - ngôi sao đang lên của giải Oscar
Sáng hôm sau, Aruna đến khách sạn đón tôi về nhà rồi cả ngày hôm đó bà dành cho tôi! Chồng mất sớm, bà sống với chị gái là một nhà báo - nhà văn có tiếng cùng cô con gái duy nhất, tên gọi thân mật là Inca.
"Inca vừa lấy chồng, chồng nó là cháu nội của bà cựu Thủ tướng Indira Gandhi đấy, chúng nó là bạn học" - Aruna không giấu nổi niềm vui khoe với tôi trong một lần bà sang Hà Nội.
Sau mỗi sự kiện điện ảnh mà Aruna tổ chức, bà thường mời tất cả bạn bè và thành viên NETPAC về nhà, chiêu đãi một bữa tiệc ra trò đến tận nửa đêm.
Biết bao câu chuyện nghề nghiệp và tâm tình; biết bao ngọn lửa đam mê và hoài bão điện ảnh được Aruna nhen nhóm cho những nhà điện ảnh châu Á.
Những cố gắng không mệt mỏi của Aruna đã góp phần làm nên sự thăng hoa và lan tỏa của điện ảnh châu Á trong suốt mấy thập niên qua.
Bởi vậy Aruna - người mẹ của điện ảnh châu Á không chỉ là tên bộ phim về bà, mà còn rất đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tôi may mắn và vinh dự là một trong những đứa con của "Người mẹ điện ảnh châu Á" này.
NETPAC đã và đang đặt hệ thống giải thưởng NETPAC Award tại gần 50 liên hoan phim quốc tế.
Nhà phê bình điện ảnh, TS Aruna Vasudev
Trong đó có những liên hoan phim nổi tiếng như Berlin, Venice, Rotterdam, Locarno, Karovy Vary, Moscow, Ammiens và Versoul, Busan và Jeunju, Singapore, Cinemalay, Jarkata và YorJakarta, Yamagata, Hawaii, Toronto, Brisbane, Anatalya, Faiji...
Tại Việt Nam, NETPAC Award được trao ở Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) và Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF).
Aruna Vasudev đã được trao Giải thưởng điện ảnh Hàn Quốc tại Liên hoan phim quốc tế Busan (1997); Giải thưởng Thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim quốc tế Cinemanila (2006), iên hoan phim quốc tế Colombo, Liên hoan phim Mumbai (2023);
Giải thưởng Tầm nhìn trong phim tại Liên hoan phim quốc tế Hawaii (2015); Huân chương Ngôi sao đoàn kết của Ý (2004); Huân chương Hiệp sĩ văn học, nghệ thuật của Pháp (2019). Liên hoan phim Tripoli đã đặt tên "Giải thưởng Aruna Vasudev" là giải thưởng dành cho kịch bản điện ảnh xuất sắc nhất.
Đăng thảo luận