Bộ Công an đang đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân. Đây được xem là căn cước trên không gian mạng để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang - Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thông tin như trên khi trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua 22-8 về việc ngăn chặn tội phạm trên không gian mạng.
Cảnh giác với cuộc gọi từ người lạ
Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, tội phạm sử dụng công nghệ cao là thách thức an ninh phi truyền thống, các nước đều đối mặt, không chỉ riêng Việt Nam.
Hiện nay Liên Hiệp Quốc đang đề xuất Hiệp định Tội phạm mạng quốc tế và dự kiến sẽ ký thời gian tới.
Ông Lương Tam Quang cũng chỉ rõ với loại tội phạm này có ba đặc điểm dẫn đến khó phát hiện, xử lý: không biên giới, tính ẩn danh cao và trình độ công nghệ cao. "Hầu hết đời thực có gì thì trên không gian mạng có cái đó. Đời thực có một thì lên không gian mạng nhân lên nhiều lần", ông Quang nêu.
Theo ông Quang, giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này cũng phải có tính đặc thù. Trong đó có hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, điều tra xử lý nghiêm tội phạm.
Bên cạnh đó ông Quang nêu rõ Bộ Công an đang đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân. Đây được xem là căn cước trên không gian mạng để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo.
Giải pháp tiếp theo là ứng dụng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng, loại bỏ tài khoản ảo, làm sạch tài khoản thuê bao di động, loại bỏ sim rác.
Ông cũng nhấn mạnh việc nâng cao tiềm lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Theo đó lực lượng an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao là một trong sáu lực lượng tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025.
Kết bạn qua mạng Telegram nhắn tin mời chào chương trình hấp dẫn “việc nhẹ lương cao”, sau đó lừa tiền qua tài khoản ngân hàng - Ảnh: TỰ TRUNG
Bộ Công an đã bố trí lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao ở công an các địa phương. Đây là lực lượng chủ công.
Các lực lượng khác cũng được nâng cao kỹ năng, phương tiện để đấu tranh theo hệ đối tượng đấu tranh của mình.
Nhận định nếu thực hiện các giải pháp đột phá sẽ tạo chuyển biến tích cực nhưng bộ trưởng Bộ Công an cho rằng việc giải quyết tội phạm mạng còn là vấn đề lâu dài, trong đó có cả trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị.
Ông Quang cũng khuyến cáo người dân tự mình nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm trên mạng.
Người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận điện thoại của người lạ, thường xuyên cập nhật tính năng bảo mật và quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân người đó.
Người dân cũng cần rà soát thận trọng kiểm tra kỹ thông tin khi giao dịch trực tuyến, điện tử. Trường hợp nghi ngờ tội phạm, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng nơi gần nhất để kịp thời được hướng dẫn, giải quyết.
Đến năm 2030 phải giải quyết dứt điểm công chức dôi dư
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến sắp xếp 47 đơn vị cấp huyện sẽ giảm 13 đơn vị; 1.247 đơn vị cấp xã sẽ giảm 624 đơn vị.
Từ việc sắp xếp trên, cả nước dự kiến số cán bộ, công chức dôi dư 21.800 người, trong đó cấp huyện dư 1.200 người, khoảng 13.100 người tại cấp xã và khoảng 7.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Việc giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư này thực hiện trong 5 năm và đến năm 2030 phải giải quyết dứt điểm.
Để giải quyết việc này, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định 29/2023 quy định về tinh giản biên chế; trong đó dành riêng một khoản cho sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã.
Ngoài ra, hiện có 46/54 địa phương trong diện sắp xếp đã có nghị quyết của HĐND để hỗ trợ thêm ngoài các quy định chung của Chính phủ. "Như vậy nguồn kinh phí để các địa phương giải quyết chế độ chính sách dôi dư này rất lớn", bà Trà nói.
Với các địa phương tự cân đối ngân sách, theo bà Trà, sẽ tự cân đối bố trí nguồn kinh phí để sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư theo các nghị định của Chính phủ cũng như nghị quyết của HĐND tỉnh mình.
Còn các địa phương không tự cân đối ngân sách thì tổng hợp gửi Bộ Nội vụ để bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ cấp ngân sách thanh toán nguồn kinh phí để thực hiện chính sách dôi dư cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp huyện, cấp xã.
Bà Trà đề nghị các địa phương tổng hợp khẩn trương để giải quyết. Trong 12 tháng nếu nghỉ ngay thì cán bộ, công chức sẽ có một khoản kinh phí lớn để sẵn sàng và đủ điều kiện tìm việc mới.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá các đại biểu đã thể hiện trách nhiệm cao, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.
Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới.
Ông cũng nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ, ngành được chất vấn tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn cần tập trung thực hiện thời gian tới.
Đăng thảo luận