Đăk LăkSau ba lần khai quật khu vực Thác Hai, các nhà khảo cổ phát hiện 'công xưởng chế tác' gần 4.000 mũi khoan và phác vật bằng đá, dùng chế tác hạt chuỗi.
Di chỉ khảo cổ Thác Hai (thôn 6, xã Ia J'lơi, huyện Ea Súp) phân bố trên một gò đất cao nằm bên hữu ngạn sông Ea H'leo, được bảo tàng Đăk Lăk phối hợp bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật 3 đợt năm 2021, 2022 và tháng 7/2024.
Kết quả khai quật ở tầng văn hóa dày khoảng 2 m, giới khảo cổ phát hiện các di tích như: mộ táng, hố đất đen; cùng nhiều di vật như: bàn mài, rìu, bôn, bàn đập vỏ cây bằng đá.
Vẩy tước (phế phẩm) - những mảnh vỡ thu được sau quá trình đẽo, mài, chế tác mũi khoan tại Di chỉ Thác Hai. Ảnh: Bảo tàng Đăk Lăk
Quá trình sàng đãi, các chuyên gia thu được gần 4.000 mũi khoan, độ dài 1-2 cm; một số mũi dài khoảng 3,5 cm, đường kính thân phổ biến 0,3 cm. Trong đó, mũi khoan tiết diện đa giác được mài gần tròn, lục giác, vuông cùng mũi khoan dạng nhọn, dẹt, tù (vát). Ngoài mũi khoan, còn có hơn 100 chuỗi hạt bằng đá, thủy tinh..., đang khoan dở được tìm thấy.
Quan sát dưới kính phóng đại, cho thấy trên thân các mũi khoan chỉ có vết xước chạy dọc thân - là dấu vết của kỹ thuật mài trong quá trình chế tác; không có vết xước ngang thân dạng vòng ren - dấu vết sử dụng khi khoan lỗ xuyên tâm, để chế tác đồ trang sức bằng đá.
Bên cạnh đó, di chỉ Thác Hai còn xuất hiện loại mũi khoan có hai đầu sử dụng, trong đó đầu mũi thường được mài nhọn hoặc mài vát hai cạnh. Theo các chuyên gia khảo cổ, sự đa dạng về tiết diện, dáng mũi cũng như kích thước cho thấy sưu tập mũi khoan đá Thác Hai là một chỉnh thể phản ánh các công đoạn khoan khác nhau, từ khoan điểm, khoan phá (khoan thô) cho tới khoan tinh.
Phân tích niên đại, các nhà khảo cổ cho rằng di tích Thác Hai cách ngày nay khoảng 4.000-2.000 năm, với hai giai đoạn phát triển sớm muộn khác nhau.
Các mũi khoan có hình thù khác nhau được tìm thấy ở di chỉ Thác Hai. Ảnh: Bảo tàng Đăk Lăk
Thạc sĩ Trần Quang Năm, Phó giám đốc bảo tàng Đăk Lăk (chủ trì khai quật), cho biết sự xuất hiện của mũi khoan với số lượng lớn, kèm các hiện vật liên quan quy trình chế tác như: đá nguyên liệu, mảnh tước, phác vật, phế vật, bàn mài... cho thấy Thác Hai từng là "trung tâm thủ công nghiệp".
"Điểm nổi bật của sưu tập mũi khoan đá là được mài trau chuốt và hầu hết chưa qua sử dụng, gợi mở khả năng đây là sản phẩm làm ra để xuất đi nơi khác", ông Năm nói, cho biết trong khu vực cũng dày đặc mảnh gốm và đồ đá cùng các dấu vết sinh hoạt khác như than tro, hố đất đen.
Theo ông Năm, sưu tập mũi khoan đá tại đây tồn tại nguyên vẹn, duy nhất, khác biệt về chất liệu, hình thức. Đến nay, chưa có cá nhân, tổ chức hay địa phương nào ở Việt Nam phát hiện và lưu giữ hiện vật tương tự. Do đó, sưu tập mũi khoan đá Thác Hai là hiện vật độc bản. Và đây có thể là công xưởng chế tác mũi khoan bằng đá duy nhất ở Tây Nguyên.
Giai đoạn Hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ Kim khí ở Việt Nam, khảo cổ học đã phát hiện được hàng chục công xưởng chế tác đá, phân bố ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có một vài công xưởng phát hiện được mũi khoan như: Bãi Tự (Bắc Ninh), Tràng Kênh, Bãi Bến (Hải Phòng) và Ba Vũng (Quảng Ninh).
Toàn cảnh di chỉ Thác Hai. Ảnh: Bảo tàng Đăk Lăk
Phó giám đốc bảo tàng Đăk Lăk cho biết bộ sưu tập mũi khoan đá ở Thác Hai có những đặc điểm khác biệt so với các điểm còn lại. Mũi khoan ở Bãi Tự, Tràng Kênh, Bãi Bến và Ba Vũng còn ở dạng phác vật, hoặc chỉ được ghè đẽo, tu chỉnh và kích thước khá lớn (chủ yếu dùng trong kỹ thuật khoan tách lõi). Còn mũi khoan ở Thác Hai kích thước nhỏ nhắn, ghè tu chỉnh và mài toàn thân cực kỳ trau chuốt dùng để khoan xuyên tâm, chế tác hạt chuỗi.
Bên cạnh đó, ở Thác Hai còn có loại mũi khoan với hai đầu tác dụng mà trong cả 4 địa điểm trên đều không có. Thậm chí, ở Đông Nam Á hầu như chưa phát hiện được công xưởng chế tác mũi khoan nào thuộc cùng giai đoạn với Thác Hai.
Theo lãnh đạo bảo tàng, với cảnh quan tự nhiên thuận lợi, là gò đất ven sông cao thoáng, gần nguồn nước và có đất để canh tác, buôn bán, khu vực Thác Hai đã sớm thu hút cư dân cổ đến cư trú và sản xuất. Chính sự ổn định lâu dài này đã góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển kỹ thuật ở Thác Hai, giúp nơi đây trở thành một trung tâm thủ công nghiệp thời Tiền - Sơ sử.
Tuy nhiên, di tích Thác Hai đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ rất lớn bởi các trận lũ từ sông Ea H'leo vào mùa mưa. Vì vậy, theo ông Năm cần phải khẩn cấp khai quật di chỉ này càng sớm càng tốt, với quy mô lớn hơn, nhằm thu thập các di tích, di vật quý giá còn ẩn chứa trong lòng đất. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần sớm lập đề án Quy hoạch khảo cổ học Đăk Lăk.
Trần Hóa
Đăng thảo luận