Chị Trịnh Thị Hiền, 39 tuổi, mắc bệnh phổi hiếm gặp, tiên lượng sống dè dặt, nay khỏe mạnh nhờ được ghép lá phổi từ người cho chết não.
Sáng 23/9, chị Hiền có mặt tại Bệnh viện Phổi Trung ương tham dự chương trình đặc biệt mang tên Những lá phổi hồi sinh cùng hai bệnh nhân cũng được ghép phổi trước đó là ông Nguyễn Xuân Toại ở Thanh Hóa và cô gái Phạm Anh Thư ở Bắc Kạn.
Chị Hiền quê Nghệ An, cảm thấy tức ngực, khó thở từ đầu năm nay. Khám ở tuyến dưới, bác sĩ phát hiện chị bị tràn dịch màng phổi. Lo lắng, anh Nguyễn Minh Hạnh, chồng chị Hiền đưa vợ đến Bệnh viện Phổi Trung ương khám lại. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị tràn dịch màng phổi nặng, kèm bệnh hiếm gặp có tên Lymphangioleiomatomatosis (LAM).
Đây là bệnh phổi đột lỗ - xảy ra khi các tế bào cơ trơn tăng trưởng xung quanh phổi, các mạch máu, mạch bạch huyết và màng phổi. Bệnh hiếm gặp và chỉ xảy ra ở phụ nữ trẻ, với các triệu chứng khó thở, ho, đau ngực,...
Bác sĩ đặt ra hai phương án điều trị, một lá vá phổi nhưng cách này chỉ được một thời gian ngắn và nguy cơ bục rất cao nếu lá phổi hoạt động quá công suất. Phương pháp còn lại, là ghép phổi, song cơ hội rất mong manh khi cả nước đến nay mới có khoảng 10 ca ghép.
Đầu tháng 4, anh Hạnh nhận cuộc điện thoại từ bệnh viện thông báo có lá phổi hiến từ người cho chết não ở Bệnh viện Việt Đức. Lập tức, người đàn ông đưa vợ ra Hà Nội, các xét nghiệm phù hợp, chị Hiền được ghép lá phổi mới hôm 3/4.
Các bác sĩ ghép phổi cho bệnh nhân Hiền. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đánh giá ca ghép cho chị Hiền khó khăn, do người phụ nữ mắc nhiều bệnh nền nặng, cấu trúc giải phẫu khó, đồng thời việc hồi sức, chăm sóc hậu phẫu diễn phức tạp. Ngay cả khi ghép xong, bệnh nhân có tình trạng phổi trái chưa tiếp nhận máu và dinh dưỡng, khó có thể "sống" được. Phương pháp đặt ra là có thể phải cắt một lá phổi trái.
Tuy nhiên, với nỗ lực điều trị, lá phổi trái của chị Hiền trở lại với chức năng hoạt động bình thường. Đến nay, sau 5 tháng điều trị, tình trạng sức khỏe của người bệnh hồi phục tốt, sẽ sớm được xuất viện.
Tại buổi hội ngộ, ông Nguyễn Xuân Toại, 58 tuổi, ở Thanh Hóa, trường hợp sống lâu nhất tại Việt Nam sau ghép phổi năm 2020, cho biết nhờ có hai lá phổi mới, cuộc đời ông sang trang mới. Từ chỗ mỗi bước đi phải có người dìu, nay ông tập thể dục, đi cầu thang cả tiếng không thấy mệt.
"Tôi còn được chứng kiến con trai tôi cưới vợ, đấy là một niềm vui sướng vô cùng lớn", người đàn ông nói, thêm rằng mong có nhiều người được cứu sống như ông.
Còn Phạm Anh Thư, 21 tuổi, cũng có một cuộc sống mới khỏe mạnh, tăng 7 kg sau khi ca ghép phổi vào đúng ngày 30 Tết năm nay. Hiện, cô gái tiếp tục học đại học năm thứ 2. "Gia đình em đã nghĩ cái Tết vừa qua là Tết cuối cùng em có mặt trên đời. Nhưng giờ đây, hai lá phổi đang sống khỏe mạnh trong lồng ngực, em đã được thở, được sống, tiếp tục thực hiện ước mơ cuộc đời mình", Thư chia sẻ.
Ba bệnh nhân được ghép phổi (từ phải sang lần lượt là bệnh nhân Hiền, Anh Thư, Xuân Toại) hội ngộ ngày 23/9. Ảnh: Quỳnh Hương
Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả bộ phận. Đến nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp thực hiện thành công 3 ca ghép phổi. TS Lượng cho biết các ca này được thực hiện theo những quy trình chặt chẽ, bài bản và thành công theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Các ca ghép có sự tham gia hội chẩn trực tuyến của các chuyên gia hàng đầu tại UCSF – Đại học California, San Francisco, Mỹ – một trong những trung tâm y học uy tín nhất trên thế giới, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia về tim mạch trong nước.
Hằng năm, trên thế giới có khoảng 5.000 ca ghép phổi, chủ yếu từ người cho chết não, trong đó tại Mỹ có khoảng 2.500 ca. Việt Nam đang có khoảng 1.000 ca có chỉ định ghép phổi nhưng đang thiếu nguồn tạng hiến. Đến nay, cả nước mới chỉ ghép được khoảng hơn 10 ca.
"Chúng ta mới bắt đầu bằng con số 1, 2, 3 nhưng tương lai sẽ tiến hành nhiều ca ghép phổi thành công hơn nữa, giúp cho nhiều người bệnh hồi sinh", TS Lượng nói.
Lê Nga
Đăng thảo luận