XÃ HỘI
Thăm nơi từng an táng thân mẫu Bác Hồ ở Huế
16/05/2024 - 07:00(Dân trí) - Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng được an táng ở triền phía tây núi Bân (thành phố Huế, Thừa Thiên Huế) từ khi bà mất năm 1901 đến năm 1922.
Núi Bân, còn có tên gọi khác là Hòn Thiên (Thiêng), núi Ba Tầng, núi Ba Vành..., cao 43m, nằm ở phía nam núi Ngự Bình, thuộc địa phận phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là di tích cấp quốc gia được công nhận năm 1998.
Theo các nhà sử học, cuối năm 1788, tại núi Bân, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã cho đắp đàn tổ chức lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, sau đó tiến quân ra bắc đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược vào đầu xuân năm Kỷ Dậu (1789), lập nên triều đại Tây Sơn.
Ở triền phía Tây của núi Bân có một công trình Nhà bia tưởng niệm nằm dưới tán thông cổ thụ, bên những gốc hoa đại trắng muốt, đó chính là di tích địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là nơi an táng đầu tiên của bà Hoàng Thị Loan sau khi qua đời năm 1901. Đến năm 1922, cô Nguyễn Thị Thanh (chị gái của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã dời hài cốt của mẹ về an táng ở quê nhà Nghệ An.
Suốt 22 năm an nghỉ trên đất Huế, linh hồn và máu thịt của bà đã hòa quyện, thấm sâu vào mảnh đất này.
Công trình Nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan được xây dựng năm 1990 ngay trên vị trí huyệt mộ của bà.
Hơn 34 năm qua, công trình nhà bia tưởng niệm được Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế tu bổ, tôn tạo, trở thành điểm di tích tâm linh ý nghĩa khi tưởng nhớ về người mẹ hiền của Bác.
Năm 2023, thực hiện Đề án Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế, phục vụ phát triển du lịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh này tiếp tục thực hiện dự án chỉnh trang di tích, mở rộng cảnh quan, xây dựng đường đi dạo, địa điểm nghỉ chân, trồng thêm các loại hoa, cây bóng mát phù hợp với di tích.
Di tích lưu niệm địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2008.
Đến nay theo thống kê ở Thừa Thiên Huế có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc có liên quan trực tiếp đến gia đình Người.
Bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868), tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Năm 1881, bà lập gia đình với ông Nguyễn Sinh Sắc và lần lượt sinh được 3 người con: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Năm 1895, bà Hoàng Thị Loan cùng chồng đưa 2 người con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Huế sinh sống tại ngôi nhà Thành Nội (nay là di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ, số 158 Mai Thúc Loan, phường Đông Ba, thành phố Huế).
Ngày 10/2/1901, bà lâm bệnh nặng qua đời và được mai táng tại núi Bân, xã Thủy An (nay là phường An Tây, thành phố Huế).
Trở lại với núi Bân, năm 2022, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khảo cổ học di tích này nhằm mục đích xác định quy mô, kết cấu, tính chất và niên đại, phục vụ hiệu quả cho công tác xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).
Kết quả giai đoạn 1 đã làm xuất lộ dấu tích mặt nền và cấu trúc nguyên gốc của 3 tầng đàn tế ở núi Bân, hình tháp cụt chồng lên nhau, hình gần tròn. Ngoài ra, kết quả khai quật còn phát hiện một đoạn móng kè ở phía tây, có khả năng là bờ kè chân đế của tầng đàn dưới cùng.
Kết quả khai quật giai đoạn 2 đã xác định núi Bân vốn là một ngọn núi thấp, được tiến hành ban xẻ thành ba tầng đàn có hình nón cụt. Ở phần chân đế đàn, đa số đều được xắn thẳng, những vị trí bị lõm hụt được xếp bó đá hoặc gạch vỡ, tận dụng để làm bó móng vòng quanh chân đế đàn với mặt bằng hình bát giác.
Năm 2010, Thừa Thiên Huế đã đầu tư trên 20 tỷ đồng để trùng tu tôn tạo khu di tích và xây dựng tượng đài vua Quang Trung trên núi Bân.
Sau khi hoàn thành công tác khảo cổ núi Bân, theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, các chuyên gia đã đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có giải pháp di dời những hộ dân đang sinh sống ở chân núi Bân, kết nối với khu vực tượng đài Quang Trung, thiết lập khu vực trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa thời đại Tây Sơn trên vùng đất Huế.
Ngoài di tích đàn tế núi Bân và tượng đài Quang Trung, các nhà khoa học cũng mong muốn có thể thiết kế, xây dựng một nhà trưng bày về triều đại Tây Sơn, hay đền thờ tưởng niệm các danh tướng nổi tiếng thời Tây Sơn tại khu vực này, tạo thành công viên văn hóa, điểm sáng du lịch ở phía tây nam thành phố Huế.
Vị trí núi Bân (Ảnh: Google maps).
Đăng thảo luận
2024-11-16 10:45:06 · 来自121.77.217.54回复
2024-11-16 10:55:10 · 来自139.202.42.204回复
2024-11-16 11:05:07 · 来自210.28.231.85回复
2024-12-11 09:15:25 · 来自36.60.219.161回复
2024-12-11 09:25:14 · 来自123.234.31.170回复
2024-12-11 09:35:23 · 来自139.215.99.131回复
2024-12-11 09:45:40 · 来自121.76.95.129回复
2024-12-11 09:55:32 · 来自61.234.157.0回复
2024-12-11 10:05:28 · 来自171.14.39.200回复
2024-12-11 10:15:23 · 来自36.61.231.24回复
2024-12-11 10:25:43 · 来自36.60.81.132回复
2024-12-11 10:35:27 · 来自121.76.79.89回复
2024-12-11 10:45:38 · 来自139.203.242.17回复
2024-12-11 10:55:44 · 来自61.232.175.160回复
2024-12-11 11:05:49 · 来自182.88.94.52回复