Lãnh đạo cơ quan thuế cho rằng về kỹ thuật, các sàn hoàn toàn có thể thực hiện được việc cung cấp thông tin, khai và nộp thuế thay người bán.

Tại dự thảo Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất sàn thương mại điện tử khai, nộp thuế thay người bán hàng trên sàn. Cùng với đó, các sàn, đơn vị logistics có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin của người bán trên sàn hoặc sử dụng dịch vụ vận chuyển.

Tại họp báo ngày 27/9, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết các quy định này nhằm tăng hiệu quả quản lý thuế, đặc biệt với thương mại điện tử.

Theo Nghị định 91, các sàn phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Ngoài ra, các bên liên quan như ngân hàng, công an đều có trách nhiệm thực hiện việc này, để quản lý thu thuế. "Các sàn đã cung cấp thông tin rồi, giờ chỉ thêm một bước là khai, nộp thuế thay cho người bán", ông Minh nói.

Lãnh đạo cơ quan thuế cũng cho biết các nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam đã khai, nộp thay người bán qua cổng thông tin điện tử do ngành thuế quản lý. Hiện 108 nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook... thực hiện. Tính đến giữa tháng 8, họ đã nộp hơn 6.234 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. "Việc áp dụng với doanh nghiệp trong nước nhằm đảm bảo công bằng. Nhà cung cấp nước ngoài làm được, không lý do gì, sàn thương mại điện tử trong nước không thể khai, nộp thay", ông Minh nói, thêm rằng về kỹ thuật các sàn hoàn toàn có thể thực hiện được việc cung cấp này.

Cũng theo ông Minh, qua phỏng vấn sàn thương mại điện tử trong nước, giám đốc các doanh nghiệp này đều khẳng định nếu chính sách được ban hành, họ có thể thực hiện được việc khai, nộp thay cá nhân bán hàng trên sàn.

'Sàn thương mại điện tử đủ điều kiện khai, nộp thuế thay người bán'  第1张

Giao diện của một trong các sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh:Quỳnh Trang

Còn theo Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi, việc thay đổi phương thức quản lý thuế với các sàn thương mại điện tử là "đương nhiên, phù hợp sự phát triển mạnh loại hình kinh doanh này vừa qua". Song, ông cũng cho rằng các giải pháp, đề xuất cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nên Bộ Tài chính sẽ tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp để điều chỉnh phù hợp.

Trước đó, góp ý dự thảo Luật Quản lý thuế, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đề xuất bỏ quy định về các sàn phải kê khai, nộp thuế cho người bán. Họ cho rằng các quy định trên mâu thuẫn với Luật Thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng (VAT).

Theo VECOM, Nghị định 52 quy định sàn thương mại điện tử là website, ứng dụng cho phép tổ chức, cá nhân mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Do đó, họ không phải đối tượng thuộc các trường hợp là tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Còn theo Luật Thuế VAT, người nộp thuế là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa chịu thuế. Luật này cũng chưa cho phép khấu trừ, quyết toán, hoàn thuế VAT với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

"Đề xuất của nhà chức trách đưa ra không khả thi, dẫn đến thiệt thòi cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong trường hợp nộp thừa thuế", VECOM lo ngại.

Bên cạnh đó, hiệp hội này cho rằng việc yêu cầu các sàn khai, nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho người bán là chưa có tiền lệ trên thế giới. Các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore, hay Trung Quốc, Mỹ đều không quy định. Người bán tự chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ về thuế của mình, VECOM lập luận.

Doanh thu thuế từ thương mại điện tử tăng đều qua các năm, từ 83.000 tỷ (2022), lên 97.000 tỷ (2023) và 7 tháng đầu năm nay đạt hơn 78.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này đến từ các doanh nghiệp trong nước và các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon.

Phương Dung