Bà Harris đang nỗ lực vạch ra những điểm mới trong tầm nhìn kinh tế so với Tổng thống Biden, nhằm khiến cử tri cảm thấy bà sẽ mang đến những thay đổi tích cực.
Kể từ cuối tháng 8, Kamala Harris bắt đầu công bố các chính sách kinh tế nếu bà đắc cử. Bà muốn hỗ trợ tầng lớp trung lưu mua nhà, người lao động nuôi con nhỏ và giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ.
Bà hứa hẹn về khoản khấu trừ thuế 50.000 USD cho các công ty khởi nghiệp, với tầm nhìn rằng nó sẽ thúc đẩy 25 triệu doanh nghiệp nhỏ mới mọc lên. Mức đang được áp dụng hiện nay là 5.000 USD.
Bà tuyên bố ủng hộ chính sách thuế tối thiểu đối với tầng lớp siêu giàu mà Tổng thống Joe Biden đề xuất, nhưng đưa ra thuế suất thặng dư vốn dài hạn thấp hơn so với ông chủ Nhà Trắng, ở mức 28%.
Thặng dư vốn dài hạn là phần lợi nhuận phát sinh từ giao dịch các tài sản được nắm giữ trên một năm. Thuế suất này hiện tối đa 20%, tùy theo thu nhập của người nộp thuế. Trong kế hoạch ngân sách năm 2025, ông Biden muốn tăng thuế suất này lên tối đa 39,6% đối với các hộ gia đình có thu nhập hơn một triệu USD. Harris cho rằng 39,6% là mức quá cao.
Theo giới quan sát, khác biệt quan điểm về thuế thặng dư vốn là dấu hiệu cho thấy bà Harris đang nỗ lực giữ khoảng cách với chính sách của ông Biden. Harris lập luận rằng đề xuất của bà vừa đảm bảo công bằng về thuế, vừa khuyến khích đầu tư và đổi mới.
Harris cũng nhấn mạnh việc giảm thuế cho các hộ gia đình cũng như những người có thu nhập trung bình và thấp, hứa sẽ mở rộng khoản ưu đãi thuế cho các phụ huynh nuôi con nhỏ lên đến 3.600 USD và 6.000 USD cho người nuôi con dưới một tuổi. Mức đang được áp dụng hiện nay là 2.000 USD.
Bà cũng đề xuất khoản trợ cấp 25.000 USD cho những người mua nhà lần đầu, nhằm thu hút những cử tri trẻ tuổi cảm thấy họ bị loại khỏi thị trường nhà ở.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris tại sự kiện vận động tranh cử ở Pittsburgh, bang Pennsylvania ngày 2/9. Ảnh: AP
Ông Trump luôn tìm cách gán bà Harris với chính sách kinh tế của ông Biden, cho rằng việc đảng Dân chủ thay ứng viên không tạo ra khác biệt.
Khảo sát do New York Times/Đại học Siena thực hiện cho thấy 61% cử tri tiềm năng nói tổng thống Mỹ tiếp theo nên có sự khác biệt lớn so với ông Biden. Chỉ 25% cho rằng bà Harris thỏa mãn điều kiện này, trong khi tỷ lệ của ông Trump là 53%. Ông Trump dẫn trước bà Harris 13 điểm phần trăm về chính sách kinh tế, vấn đề được coi là quan trọng nhất với cử tri Mỹ.
"Bà ấy có thể ca ngợi ông Biden và nhắc đến những thành tựu, nhưng cũng cần thừa nhận công việc còn dang dở", Bakari Sellers, nhà bình luận chính trị đảng Dân chủ, nói.
Dưới thời ông Biden, kinh tế Mỹ nhìn chung ổn định, nhưng nhiều cử tri không cảm nhận được lợi ích. Ông Biden đã đề xuất và triển khai các đạo luật nhằm hiện đại hóa hạ tầng Mỹ, kéo nền kinh tế khỏi vòng xoáy đại dịch Covid-19 nhưng lạm phát trong nhiệm kỳ ở mức cao.
Các cố vấn của bà Harris khẳng định Phó tổng thống đã đưa ra những đề xuất chính sách có sức thu hút với cử tri và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra sự tương phản với ông Biden. Ứng viên Dân chủ cũng đang tập trung vào thông điệp bảo vệ tự do cá nhân hơn là bảo vệ nền dân chủ như khi ông Biden còn tranh cử.
Cơ hội thắng cử của Phó tổng thống Harris vào tháng 11 phần nào phụ thuộc vào độ thành công trong việc xây dựng hình ảnh bà là lựa chọn mới cho cử tri, xóa bỏ mọi hoài nghi bà đang tạo ra "nhiệm kỳ Biden thứ hai", theo nhà phân tích Stephen Collinson của CNN.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris phát biểu tại North Hampton, bang New Hampshire ngày 4/9. Ảnh: AFP
Chiến lược gia kỳ cựu của đảng Dân chủ James Carville mô tả cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay được định hình bởi yếu tố mới và cũ. Theo ông Carville, việc bà Harris đi theo con đường riêng không phải sự thiếu tôn trọng đối với Tổng thống Biden, mà đó là điều rất cần thiết để tạo bản sắc chính trị riêng.
"Việc này cho thấy bà ấy nhiệt tình với những ý tưởng của mình, đại diện cho sự thay đổi trước những thứ đã cũ", ông Carville nhận định. "Để được coi là ứng viên mới mẻ, bà Harris phải tách khỏi ông Biden một cách rõ ràng và kiên quyết".
Trong cuộc tranh luận hôm 10/9, ông Trump đã gán bà Harris vào "những chính sách thất bại" của chính quyền Biden. "Họ đã phá hủy nền kinh tế", ông nói.
"Hãy nhớ rằng bà ấy chính là Biden. Mọi người biết đấy, bà ấy đang cố tách mình khỏi Biden, tỏ ra không quen biết, nhưng bà ấy chính là Biden", Trump nói.
Trong khi đó, bà Harris nhấn mạnh với Trump rằng: "Ông không cạnh tranh với Joe Biden, mà là với tôi".
"Rõ ràng tôi không phải Joe Biden và chắc chắn cũng không phải là Donald Trump. Những gì tôi mang đến là một thế hệ lãnh đạo mới cho đất nước chúng ta", bà khẳng định.
Bà Harris: Donald Trump đã bị 81 triệu người Mỹ sa thảiBà Harris nhấn mạnh bà là "thế hệ lãnh đạo tương lai" trong tranh luận với Trump hôm 10/9. Video: ABC
Tuy nhiên, dù bà Harris nhấn mạnh điều này, Trump vẫn tiếp tục khẳng định bà sẽ là "lãnh đạo chẳng làm nên việc gì" khi ông phát biểu khép lại cuộc tranh luận. Điều này cho thấy thách thức của Harris khi cần phải thuyết phục những cử tri dao động vẫn còn mơ hồ về bà.
"Bà ấy cứ nói sẽ làm việc này việc kia, làm tất cả những điều tuyệt vời. Thế tại sao bà ấy vẫn chưa làm được gì? Bà ấy làm Phó tổng thống ba năm rưỡi rồi. Họ đã có ba năm rưỡi để chỉnh đốn vấn đề biên giới, tạo công ăn việc làm và tất cả những điều chúng ta đã đề cập. Thế tại sao bà ấy còn chưa làm được?", ông Trump nói.
Như Tâm (Theo CNN, Fox News)
Đăng thảo luận