Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) báo cáo về tình trạng khan hiếm nước trên toàn cầu, trong đó mực nước của những phụ lưu lớn đổ vào Amazon - sông lớn nhất trên Trái Đất thấp tới mức kỷ lục.

Nước sông toàn cầu thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ  第1张

Sông Rio Negro tại Brazil, chụp tháng 9/2023. Ảnh:Jesper Sohof/Shutterstock

Một trong những nhánh chính của sông Amazon là sông Negro tại cảng Manaus đã giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận (12,66 m), cơ quan địa chất Brazil cho biết hôm 4/10. Đây là mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu đo đạc cách đây 122 năm. Mực nước đang giảm ở tốc độ khoảng 17,8 cm/ngày.

Báo cáo của WMO về "Tình trạng Tài nguyên nước Toàn cầu 2023", cho thấy các con sông trên toàn cầu "được đặc trưng bởi tình trạng khô hơn bình thường đến bình thường" vào năm ngoái, so sánh với dữ liệu về lượng nước chảy qua sông tại bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1991.

Theo báo cáo, dữ liệu 45% số sông trên thế giới được phát hiện có lưu lượng nước ở mức dưới hoặc thấp hơn nhiều so với mức bình thường. Trong khi nhiều quốc gia ở miền đông châu Phi đã trải qua những trận lũ lụt tàn khốc. Báo cáo cho biết lượng mưa lớn dẫn đến lũ lụt "có thể do hiện tượng El Niño gây ra". Biến đổi khí hậu do con người gây ra đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan.

Tổng thư ký WMO, bà Celeste Saulo, trong một tuyên bố cho biết: "Do nhiệt độ tăng cao, chu trình thủy văn đã tăng tốc. Nó cũng trở nên thất thường và khó đoán hơn, và chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề ngày càng gia tăng về việc quá nhiều hoặc quá ít nước".

"Nước là tín hiệu cảnh báo về biến đổi khí hậu. Chúng ta nhận được tín hiệu cấp bách dưới dạng lượng mưa, lũ lụt và hạn hán ngày càng cực đoan gây thiệt hại nặng nề về tính mạng, hệ sinh thái và kinh tế. Băng tan và sông băng đang đe dọa an ninh nguồn nước lâu dài cho hàng triệu người", bà Saulo nói và cho rằng con người cần có các hành động khẩn cấp cần thiết để hạn chế tình trạng này.

Theo đó, hành động khẩn cấp đang được kêu gọi là cần nghiên cứu và hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra với nguồn nước ngọt của thế giới. Mặc dù báo cáo của WMO được coi là toàn diện, nhưng vẫn còn thiếu nhiều dữ liệu do thiếu quan sát hoặc chia sẻ, với châu Phi, Nam Mỹ và châu Á chưa được đại diện đầy đủ.

Bà Saulo cho rằng "quá ít thông tin được biết về trạng thái thực sự của tài nguyên nước ngọt trên thế giới", và khó để "quản lý những gì không đo lường được". Do đó cần cải thiện việc giám sát, chia sẻ dữ liệu, hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực này.

Theo tổ chức World Weather Attribution (WWA), biến đổi khí hậu đang châm ngòi cho các hiện tượng thời tiết cực đoan. Việc liên hệ biến đổi khí hậu với từng đợt hạn hán riêng lẻ khá khó khăn. Mức độ sẵn có của nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài nhiệt độ và lượng mưa, trong đó hệ thống thời tiết tự nhiên cũng góp phần quan trọng. Đó là trường hợp xảy ra với hạn hán ở phía nam châu Phi vào đầu năm 2024. Nhưng nắng nóng do biến đổi khí hậu có thể làm hạn hán thêm trầm trọng bằng cách gây khô đất, dẫn tới không khí bên trên ấm lên nhanh hơn và hơi nóng càng dữ dội hơn.

Trong thời kỳ thời tiết nóng, nhu cầu về nước tăng lên, đặc biệt từ các nông dân, tạo thêm gánh nặng cho nguồn cung cấp nước. Ở nhiều nơi tại Đông Phi, mùa mưa vắng bóng liên tiếp từ năm 2020 đến 2022 khi khu vực trải qua hạn hán tồi tệ nhất 40 năm, khiến 1,2 triệu người dân ở Somalia mất chỗ ở. Biến đổi khí hậu làm hạn hán kiểu này nhiều khả năng xảy ra hơn ít nhất 100 lần.

Bảo Anh (Theo Ifl Science/CNN/BBC)