Nhận lệnh trước giờ xuất phát 5 tiếng, Đội Công binh số 2 ở Abyei (châu Phi) nhanh chóng triển khai nhiệm vụ cam go: hộ tống đoàn 3.000 công dân đến nơi an toàn.
22h đêm 20/2, cuộc gọi khẩn cấp từ Chỉ huy trưởng đơn vị Ấn Độ đã đánh thức đại tá Nguyễn Việt Hưng và toàn bộ Đội Công binh số 2. Đoàn xe hộ tống của Liên Hợp Quốc sẽ xuất phát lúc 3h sáng và cần sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía đội. Ông đề nghị công binh Việt Nam sẵn sàng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ.
Đại tá Hưng đặt chiếc điện thoại xuống. Thông tin nhiệm vụ lần này khác hẳn với những lần trước. Việc nhận lệnh miệng vào lúc nửa đêm, không trao đổi, bàn bạc trước, khiến anh không khỏi lo lắng.
"Đây là mệnh lệnh chính thức từ Phái bộ, một nhiệm vụ đặc biệt, tuyệt mật" - giọng Chỉ huy đơn vị Ấn Độ vang lên qua điện thoại hơn một tiếng sau đó.
Chỉ huy đơn vị Ấn Độ là người trực tiếp điều hành toàn bộ chiến dịch bí mật này. Đoàn xe hộ tống có nhiệm vụ vận chuyển gần 3.000 người Nuer đang tị nạn ở các căn cứ Liên Hợp Quốc tại Phân khu trung tâm qua Abyei để vào Nam Sudan.
Đội hình xe của Đội Công binh số 2 trong một nhiệm vụ cứu kéo hồi tháng 2. Ảnh: Đội Công binh
Abyei có diện tích 10.546 km2, là khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan sau cuộc nội chiến năm 2005. Phái bộ an ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc được thành lập ở Abyei để duy trì, đảm bảo an ninh an toàn và ngăn chặn xung đột, tranh chấp giữa hai quốc gia.
Tại đây, nhiều bộ tộc với nhóm vũ trang liên tục tấn công và trả đũa lẫn nhau. Nổi lên là mâu thuẫn sâu sắc của người Ngok Dinka và người Nuer. Do thường xuyên bị vây bắt, phần lớn người Nuer phải lánh vào khu tị nạn và cầu cứu sự bảo vệ của lực lượng Liên Hợp Quốc.
Xác định được tính hệ trọng của nhiệm vụ, đại tá Hưng lập tức triệu tập chỉ huy các phân đội, lập tổ kỹ thuật và lực lượng bảo vệ. "Anh em hỏi nhưng tôi chỉ có thể nói đây là nhiệm vụ đột xuất hộ tống đoàn của Liên Hợp Quốc từ Abyei sang phân khu phía Nam", Đội trưởng Công binh kể.
Đội đã triển khai đội hình gồm hai xe thiết giáp làm nhiệm vụ bảo vệ, một xe kỹ thuật và một xe công trình xa để cứu kéo. Do di chuyển ban đêm, lại vào giờ giới nghiêm, đại tá Hưng yêu cầu toàn đội đề cao cảnh giác, tăng cường quan sát; trang bị đầy đủ áo giáp, mũ chống đạn, súng tiểu liên AK. Đề phòng trường hợp bị sa lầy, các thành viên cũng mang theo thực phẩm, nước uống.
Đại tá Nguyễn Việt Hưng (giữa) trong buổi làm việc cùng đơn vị bạn tại Abyei. Ảnh: Đội Công binh
Mỗi người đảm bảo phương tiện thông tin liên lạc hoạt động liên tục và thường xuyên cập nhật tình hình. Các chỉ huy phải nắm đầu mối liên lạc trong đoàn để phối hợp khi có tình huống. Để tránh lộ lọt thông tin, tránh nguy cơ bị tập kích, đoàn xe sẽ di chuyển từ điểm tập kết và không dừng nghỉ.
Để bảo vệ gần 3.000 dân thường, quy mô của đoàn hộ tống rất lớn với hàng chục xe tải nối đuôi nhau, xung quanh là các đội bảo vệ vũ trang thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Ghana, Pakistan và Ấn Độ.
Tại trụ sở Công binh, đại tá Hưng lo lắng đứng ngồi không yên. Đến 5h sáng, lực lượng thông báo đã hoàn thành nhiệm vụ hộ tống, đang trên đường trở về. "Lúc này, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm", anh Hưng nói.
Nhờ các biện pháp bảo mật nghiêm ngặt, mọi thông tin liên quan đến nhiệm vụ đều được giữ kín tuyệt đối. Tuy nhiên, theo đại tá Nguyễn Việt Hưng, đây là một trong những nhiệm vụ nguy hiểm nhất của lực lượng. Mỗi giây phút, đoàn phải đối mặt với nguy cơ bị lộ và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
"Nếu thông tin bị rò rỉ, đoàn có thể bị các nhóm vũ trang tấn công, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của hàng nghìn dân thường và lực lượng gìn giữ hòa bình", anh nói.
Ngày hôm sau, Liên Hợp Quốc và Phái bộ gửi thư khen cho Đội Công binh Việt Nam. Đến lúc này, đại tá Hưng cũng mới biết đây là kế hoạch bí mật được thông qua từ cấp trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), chứ không chỉ là ở Phái bộ.
Người Nuer mừng rỡ khi được hộ tống an toàn về điểm lánh nạn. Ảnh: Đội công binh
Đội Công binh số 2 vừa trở về nước sau khi kết thúc nhiệm kỳ một năm gìn giữ hòa bình tại Phái bộ UNISFA, hoàn thành xuất sắc 188 nhiệm vụ Liên Hợp Quốc giao. Đội đã bảo dưỡng, sửa chữa nhiều tuyến đường bộ; nâng cấp hai tuyến đường huyết mạch dài 69 km, duy trì giao thông thông suốt cho người dân và Phái bộ; mở mới 337 km đường nhánh, qua các khu vực xa trung tâm, tăng cường sự hiện diện quân sự của Phái bộ.
Tiếp nối những thành công của nhiệm kỳ trước, Đội Công binh số 2 đã ghi thêm dấu ấn đậm nét khi hoàn thành dự án doanh trại thông minh đầu tiên tại Abyei, đồng thời tích cực triển khai nhiều hoạt động nhân đạo ý nghĩa, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân địa phương như khám bệnh, trao thuốc, tặng quà; xây dựng lớp học, hỗ trợ hệ thống lọc nước, sửa thuyền cho người dân.
Thiếu tá Nguyễn Mậu Vũ, Chính trị viên Đội Công binh số 2, cho biết khi hay tin đội sắp về Việt Nam, người dân Abyei đã đến gửi thư, tặng quà cảm ơn. Có người tặng dê để đội cải thiện bữa ăn, người thì gửi tặng trang phục địa phương làm kỷ niệm. "Bà con ở Abyei hay nói công binh Việt Nam là bộ tộc thứ 10 ở đây. Họ yêu quý chúng tôi như chính người cùng quê hương và luôn mong muốn bộ đội ở đây, mang đến cho họ niềm tin, hy vọng và những thay đổi tích cực", anh Vũ nói.
Sơn Hà
Đăng thảo luận