Hà NộiĐiện thoại rung lên, Phương Anh, 30 tuổi, ở chung cư số 47 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân vừa bấm máy lập tức nhận được lời cầu cứu.

Lúc này đã là 17h30 ngày 7/9, mưa như trút trong khi gió bão rít ầm ầm ngoài cửa. Người đang kêu cứu với Phương Anh vừa sợ, vừa khóc, tự giới thiệu là một phụ nữ bị suy tim, ở một mình trong phòng trọ trong ngõ 12 Tả Thanh Oai (gần khu vực Cầu Tó). Căn phòng có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

Nơi này cách nhà Phương Anh 8 km. Cô và chồng huy động thêm nhiều người khác đặt xe công nghệ để đón vị khách lạ về nhà. Liên tục bị hủy cuốc vì giông lốc, cây đổ ngang đường, cuối cùng họ cũng đón được người phụ nữ lúc 18h30.

Nhiều gia đình mở lòng đón người cơ nhỡ trong cơn bão Yagi  第1张

Bữa cơm của những người dân đến tá túc tránh bão tại căn hộ của vợ chồng Phương Anh, ở quận Thanh Xuân, tối 7/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước đó, một sinh viên tên Dũng ở trọ trên đường Nguyễn Huy Tưởng cạnh đó cũng đã đến căn hộ của Phương Anh xin ở nhờ. Từ hôm 6/9 chàng trai này đã sống trong cảnh bất an vì có một cái cây khá lớn đâm qua phòng trọ ọp ẹp. "Em sợ bay luôn cả phòng trọ. Em xin qua trú bão chứ không thấy bất ổn quá rồi", Dũng nhắn.

Ngoài hai người này, vợ chồng Phương Anh còn đón một người phụ nữ mới ly hôn cùng hai con đang ở nhà trọ mất an toàn, một số sinh viên bị tốc mái phòng trọ, người mới lên Hà Nội, một số người đi làm xa chưa kịp về, lễ tân và lao công trong tòa nhà.

Phương Anh cho biết trước sức tàn phá của bão Yagi ở Quảng Ninh và Hải Phòng trưa chiều 7/9, cô nghĩ sẽ có nhiều người khó khăn chưa có chỗ trú ẩn an toàn. Vợ chồng cô có hai căn hộ trong khu này, một căn đang ở, một căn chờ cho thuê có diện tích hơn 100 m2, ba phòng ngủ, có thể cho 15 người tá túc.

Thông báo của cô được một group lan tỏa, nhờ đó tiếp cận được nhiều người đang có nhu cầu. Từ khoảng 15h chiều, điện thoại chủ nhà luôn trong tình trạng "cháy máy". Những người ở xa được cô đặt xe công nghệ đón đến.

Nhiều người trong chung cư cũng gom góp đồ ăn, chăn màn và quần áo mang tới nhà Phương Anh để hỗ trợ mọi người.

Nhiều gia đình mở lòng đón người cơ nhỡ trong cơn bão Yagi  第2张

Chăn màn, quần áo, thực phẩm người dân tại chung cư Phương Anh mang tới hỗ trợ người tránh bão. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại nhà của chị Kim Oanh, ở Vĩnh Phúc, quận Ba Đình cũng đang có hơn chục người tránh bão.

19h trời tối như mực, một cặp vợ chồng ngoài 60 tuổi đến gõ cửa xin ở nhờ. Chị Oanh cho biết người đàn ông chân đau, đi lại rất khó khăn nên chị phải dìu lên phòng. Trước họ là một người mẹ bế theo con trai nhỏ.

Từ chiều 7/9, chị Oanh đăng tải thông tin "có ngôi nhà trống, sức chứa khoảng 15 người, đã có đồ ăn nước uống cho ai cần có thể ở tạm hai ngày bão" và mong mọi người chia sẻ giúp. Bất ngờ là ngay sau đó rất nhiều người liên hệ nên Oanh cảm thấy việc làm của mình "muộn nhưng có ích". Được chị truyền cảm hứng, người em gái ở 19 Hàng Thùng cũng đang mở cửa đón người khó khăn.

Lúc 16h, Thanh Phương, 30 tuổi cũng đăng tải thông tin đón mọi người đến tránh bão tại căn hộ ở 622 Minh Khai. Càng về chiều tối mưa bão càng lớn, Phương không ngờ là vẫn có nhiều người xin hỗ trợ.

Một người đang di chuyển tới nhà cô. Hai người khác ở xa hơn, đi lại không an toàn lúc này nên cô đã chuyển một khoản tiền nhỏ hỗ trợ họ, cùng lời nhắn "ngớt mưa mà qua được vẫn chào đón tới nhà".

Thấy bão ngày một to, mái tôn bay nhiều quá, Nguyễn Phượng, 32 tuổi ở gần chợ Bông Đỏ, Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) cũng chia sẻ rộng rãi trên mạng thông tin ngôi nhà trống 7 phòng, sức chứa 30 người của mình.

Phượng cho biết từ lúc đăng tải tới nay đã có rất nhiều người dân ở gần đó liên hệ. Tình cảnh chung của họ là ở nhà cấp bốn, nhà xuống cấp đã bay mất mái song vì trời tối và mất an toàn nên đang tránh tạm chưa đến được.

"Biết là muộn nhưng tôi vẫn đăng vì có thể mọi người không đến được nay thì mai. Nhiều nhà hỏng hóc, cần sửa, khi đó cũng cần một chỗ trú", Phượng cho biết.

Nhiều gia đình mở lòng đón người cơ nhỡ trong cơn bão Yagi  第3张

Chị Thanh Tuyền nấu cơm đón người đến tránh bão, chiều 7/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Thúy cũng mở căn chung cư gần 100 m2 để trống ở Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân đón mọi người về. Sau ba giờ đăng tải trên trang cá nhân, cô đã nhận được 7 cuộc gọi. Hầu hết là người đi làm chưa kịp về nhà ở ngoại thành xa. Hiện họ trú tạm ở đâu đó. Thúy hy vọng một vài tiếng nữa bớt gió di chuyển được, họ sẽ về nhà cô để có một chỗ an toàn qua đêm nay.

"Trong khi chờ mọi người đến, em chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, chăn đệm để đón", Thúy cho biết.

Phan Dương