Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi lưu giữ, trưng bày 9 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt các cổ vật này đều có niên đại cả ngàn năm tuổi.
Đài thờ Trà Kiệu có niên đại thế kỷ thứ VII - VIII gồm có các bộ phận: phía trên là một Linga, ở giữa là bệ Yoni gồm hai thớt tròn được trang trí những cánh hoa sen cách điệu đối xứng nhau, phía dưới là một chiếc bệ vuông - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (quận Hải Châu) là nơi lưu giữ và trưng bày hơn 3.000 hiện vật, trong đó có 9 cổ vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Đây là bảo tàng có lịch sử lâu đời nhất ở nước ta được xây dựng từ năm 1915 và mở cửa cho khách tham quan từ năm 1919.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lưu giữ bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tôn giáo tiêu biểu trong giai đoạn từ thế kỷ V đến khoảng thế kỷ XIV - XV của nền văn hóa Chăm.
Trong đó có 9 cổ vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Bốn mặt quanh khối vuông đài thờ Trà Kiệu được chạm trổ nhiều chi tiết mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là câu chuyện thần thoại kể về đám cưới của hoàng tử Rama và công chúa Sita trong trường ca Ramayana - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Phiên bản tượng Bồ tát Tara được làm từ chất liệu đồng, xuất xứ Đồng Dương (Quảng Nam), niên đại cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X. Đây là một trong những tượng Tara bằng đồng quan trọng nhất đã được phát hiện tại khu vực Đông Nam Á, hiện vật cũng có lịch sử ly kỳ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Năm 2012, bảo tàng này có 3 trong tổng số 30 hiện vật trên cả nước lần đầu tiên được công nhận bảo vật quốc gia. Các cổ vật này gồm đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Bồ tát Tara.
Năm 2018, đài thờ Đồng Dương được công nhận bảo vật quốc gia và trở thành hiện vật thứ 4 ở đây được công nhận.
Đài thờ Mỹ Sơn E1 được chế tác từ đá sa thạch, xuất xứ Mỹ Sơn (Quảng Nam), đài thờ có niên đại thế kỷ VII - VIII - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Đài thờ Đồng Dương có xuất xứ Đồng Dương (Quảng Nam). Đài thờ được chế tác từ đá sa thạch, có niên đại cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Đài thờ Đồng Dương gồm 24 khối đá ghép lại với nhau tạo nên kiến trúc đài thờ gồm 4 bộ phận gồm: phần đế đặt dưới cùng, bệ thờ lớn có mặt diện hình vuông; trên bệ thờ lớn là bệ thờ nhỏ vuông và một bệ thờ cao hơn áp vào mặt sau của bệ thờ lớn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Năm 2021, bảo tàng này có 2 cổ vật được công nhận bảo vật quốc gia là tượng Ganesha và tượng Gajasimha.
Đầu năm 2024 nơi đây có thêm 3 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia gồm phù điêu Apsara, tượng Thần Shiva, phù điêu Đản sinh Brahma.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi từng đón nhiều nguyên thủ quốc gia tới thăm. Đây cũng là điểm tham quan đóng góp lớn vào các chương trình quảng bá văn hóa và phát triển du lịch Đà Nẵng. Năm 2019 doanh thu bán vé của bảo tàng này đạt khoảng 17 tỉ đồng.
Hiện công trình Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố.
Tượng Thần Ganesha (giữa) được làm từ chất liệu đá sa thạch. Tượng xuất xứ từ Mỹ Sơn, Quảng Nam và có niên đại thế kỷ VII - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tượng Gajasimha có xuất xứ ở Tháp Mẫm (Bình Định). Bức tượng được làm từ đá sa thạch, có niên đại thế kỷ XII, được tìm thấy trong cuộc khai quật tại Tháp Mẫm vào năm 1933 - 1934. Một năm sau tượng được đưa về bảo tàng ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Phù điêu Đản sinh Brahma, được phát hiện tại Mỹ Sơn, Quảng Nam có niên đại thế kỷ VII - VIII. Đây là bức chạm khắc trên vòm của tháp Mỹ Sơn E1, được đưa về bảo tàng từ năm 1935 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tượng Thần Shiva có xuất xứ tháp Mỹ Sơn C1 (Quảng Nam) có niên đại thế kỷ VIII - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Phù điêu vũ nữ Apsara, xuất xứ Trà Kiệu (Quảng Nam), được làm từ đá sa thạch, bảo vật có niên đại thế kỷ X - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Nhiều bảo vật quốc gia "xuất ngoại" triển lãm
Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có nhiều cổ vật, trong đó có một số bảo vật quốc gia từng được "xuất ngoại" đến những bảo tàng lớn nhất thế giới để trưng bày.
Các triển lãm kéo dài nhiều tháng trời ở các bảo tàng lớn nhất thế giới tại Pháp, Mỹ.
Bảo vật được mang đi triển lãm thường được đổi lại bằng các chương trình hỗ trợ bảo tồn phát huy giá trị di sản.
Đăng thảo luận