Người phụ nữ suýt đổ vỡ hôn nhân vì... mải lo trồng rau
(Dân trí) - Không nhận được sự ủng hộ từ bạn bè, người thân nhưng với đam mê, người phụ nữ quyết tâm gây dựng vườn rau dưới chân núi Langbiang. Sự kiên định của bà có lúc khiến cuộc sống hôn nhân suýt đổ vỡ.
Biến ước mơ thành hiện thực
Ở một vùng dưới chân núi Langbiang (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), bấy lâu nay trở thành nơi lui tới của nhiều chuyên gia, đoàn nghiên cứu sinh của các trường đại học trong và ngoài tỉnh. Họ đến tham quan, trải nghiệm, học hỏi, nghiên cứu về mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên của nữ nông dân Lê Thu Hậu (58 tuổi).
Bà Hậu gắn bó với nghề nông từ những năm 1990. Bấy giờ, gia đình bà trồng bắp cải và một số loại rau phổ biến của vùng núi Langbiang, bán cho thương lái.
Năm 2017, bà Hậu cải tạo khu vườn rộng 1ha, trồng các loại rau theo hướng nông nghiệp hữu cơ (Ảnh: Minh Hậu).
Đầu 2016, để mở rộng thị trường, bà Hậu cùng 15 hộ dân trong vùng thành lập Tổ hợp tác Hiếu Linh, tiến hành sản xuất rau trên diện tích 16ha. Toàn bộ cây trên vườn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông sản tốt Việt Nam) và được các đối tác VinEco, tập đoàn Sigiay Food Hàn Quốc, các đầu mối lớn ở TPHCM bao tiêu sản phẩm.
Đến năm 2017, trong một lần tham gia chương trình xúc tiến thương mại, bà Hậu nhận thấy các sản phẩm rau, củ, quả sản xuất hữu cơ của một số doanh nghiệp nhận được sự quan tâm của khách hàng. Đặc biệt, nguồn sản phẩm mang lại giá trị về sức khỏe, bảo vệ môi trường nên bà quyết học hỏi để chuyển đổi.
Nữ nông dân chia sẻ với bạn bè, người thân để tìm kiếm sự đồng hành. Trái với những hy vọng, đa phần mọi người đều không đồng ý và ngăn cản.
Hiện nay, gia đình bà Hậu trồng tổng cộng 15 loại rau, củ, quả, thảo dược hữu cơ trên diện tích 3ha (Ảnh: Minh Hậu).
Thậm chí, ước mơ nông nghiệp thuận tự nhiên của bà Hậu có lúc đẩy cuộc sống gia đình vào trạng thái căng thẳng, suýt đổ vỡ hôn nhân.
Không từ bỏ, bà Hậu tiếp tục thuyết phục chồng và những người trong gia đình. Đến khoảng cuối 2017, sau khi nhận được sự đồng ý từ người thân, bà bắt tay vào cải tạo khu vườn rộng 1ha để biến giấc mơ nông nghiệp hữu cơ thành hiện thực.
Cô độc trong "cơn bão"
Nữ nông dân 58 tuổi kể lại: "Thời gian đó, tôi làm nông nghiệp hữu cơ nên hàng xóm cho rằng tôi bị điên. Có lúc rất cô đơn nhưng quyết đi đến cùng".
Sau nhiều năm kiên trì với nông nghiệp thuận tự nhiên, bà Hậu gặt hái thành quả khi có nhiều đối tác tìm về tiêu thụ sản phẩm (Ảnh: Minh Hậu).
Bà Hậu cho biết, trên khu vườn, bà vẫn trồng bắp cải, cải ngọt, astiso… nhưng thực hiện theo quy trình hoàn toàn mới. Để đảm bảo dinh dưỡng cho rau, bà học hỏi cách ủ phân vi sinh, để ngăn ngừa sâu, bệnh hại, bà học cách chiết xuất các loại chế phẩm từ gừng, tỏi, ớt.
"Thời gian đầu, rau phát triển đẹp, chỉ khi cận kề ngày thu hoạch, toàn bộ cải ngọt trên vườn xuất hiện sâu hại và sau đó bùng lên thành dịch, không kiểm soát nổi. Lứa cải ngọt đó tôi mắt trắng. Bắp cải và astiso đẹp thời gian đầu nhưng càng về sau càng teo tóp, năng suất chỉ bằng 50% so với cách làm trước đây", bà Hậu nói.
Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng với quyết tâm không bỏ cuộc, bà Hậu lại bắt tay vào cải tạo đất, tiếp tục sản xuất. Nữ nông dân thổ lộ: "Vừa làm, vừa học hỏi và cuối cùng tôi cũng nắm được bí quyết để xây dựng mô hình hiệu quả. Cây được đảm bảo dinh dưỡng nên phát triển tốt, sâu, bệnh hại cũng được khắc chế hiệu quả".
Bà Hậu tổ chức sơ chế, nâng cao giá trị cho sản phẩm. Mới đây, nhiều nông sản của gia đình bà được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao (Ảnh: Minh Hậu).
Niềm vui sản xuất ra rau hữu cơ "chưa tày gang", chủ trang trại phải đối diện với sự thực phũ phàng của thị trường. Sản phẩm rau thuận tự nhiên không bắt mắt, còn xa lạ với người tiêu dùng, bán chẳng ai mua.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, bà Hậu đăng ký tham gia hàng loạt các chương trình hội chợ, triển lãm, giới thiệu nông sản mà chính quyền huyện Lạc Dương và tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Giới thiệu rau sạch, tham gia các cộng đồng "nông nghiệp hữu cơ", "cộng đồng minh bạch"…
Theo bà Hậu, có lần, bà đăng ký tham gia chương trình hội chợ ở TPHCM để tìm kiếm cơ hội. "Lúc đó, tôi mang rau, củ bày bán. Áo, mũ làm vườn và rau đơn sơ nên ai nhìn cũng cười", nữ chủ trang trại chia sẻ.
Đến năm 2022, rau hữu cơ của gia đình bà Hậu được thị trường đón nhận. Mô hình sản xuất sau đó được bà mở rộng từ 1ha lên 3ha và được Trung tâm khuyến nông tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ xây dựng, cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Sản phẩm rau hữu cơ của gia đình bà Hậu được các đối tác mua với mức giá cao hơn thường lệ 20% (Ảnh: Minh Hậu).
Hiện nay, mỗi tháng, bà Hậu được đối tác tại TPHCM ký hợp đồng bao tiêu 1 tấn rau hữu cơ các loại với mức giá cao hơn thông thường 20%. Nông trại thuận tự nhiên 3ha cung ứng hàng tấn sản phẩm gồm súp lơ, bắp cải, cần tây, astiso, hương thảo, bồ công anh… ra thị trường. Đồng thời tổ chức chiết xuất các loại tinh dầu thảo dược cao cấp, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, hiện nay, bà Lê Thu Hậu là Giám đốc Công ty Nông sản Tổ hợp tác hữu cơ Hiếu Linh (còn gọi là Hiếu Linh Farm). Mô hình sản xuất hữu cơ của gia đình bà Hậu mang lại hiệu quả kinh tế và địa phương khuyến khích phát triển.
Thời gian qua, huyện Lạc Dương thực hiện các chương trình hỗ trợ để Hiếu Linh Farm tham gia quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Một số sản phẩm chế biến sâu của gia đình bà Lê Thu Hậu đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Đăng thảo luận