Bốn ngày trước Cảng Cái Rồng, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh là nơi trú tránh bão số 3 của tàu cá, các bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Bái Tử Long. Theo thống kê có 74 tàu cá về neo đậu tránh bão.
Trong đó, có tàu thuyền đắm 48 chiếc, vỡ 9 chiếc. Tổng số 218 cơ sở nuôi cá bị thiệt hại với 280 ha, 318 nhà bè bị thiệt hại.
Khi cơn bão đi qua, bỏ lại những tổn thất nặng nề, nuốt những giọt nước mắt mặn đắng trong mưa, các ngư dân lại dầm mình dưới nước biển tất bật khắc phục hậu quả và làm lại từ đầu với đôi bàn tay chai sạn khi tất cả "đã mất sạch".
Ông Phạm Quốc Anh, thôn Đông Hà (Đông Xá, Vân Đồn) cùng các ngư dân đang đóng lại bè nuôi hàu mới đợi ngày mua được giống sẽ "làm lại từ đầu". "Mất hết rồi nhà báo ạ! Cả 20 bè nuôi hàu của gia đình và các lồng nuôi cá đều mất trắng theo bão. Đây đều là những bè đóng mới vụ đầu, chưa thu được đồng nào", ông Quốc Anh nghẹn ngào và cho biết mới thả thêm 3.600 quả phao nhựa để nuôi hàu nhưng cũng bị bão đánh mất theo biển "không lấy về được cái nào".
Dầm mình trong nước biển, tay thoăn thoắt buộc lại các điểm nối thanh thanh làm bè nuôi hàu. Nhìn thấy phóng viên, bà Chị Nguyễn Thị Na, khu 3 thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh) nói vọng lên: "Nói chung là không còn cái gì nữa rồi. 10 ô bè của gia đình, 10 ô bè nuôi hàu, 1 nhà bè nuôi cá đi theo biển hết rồi". Ngẩng mặt lên trời hứng trọn những hạt mưa lớn đang rơi, bà chỉ tay về phía xa nói: "Giờ chỉ còn có 'ngôi nhà' kia trú tạm.
Ngôi nhà mà bà Na nói chỉ là một chiếc "nhà bè" nhỏ bằng những miếng ván gỗ nhuốm màu thời gian vỏn vẹn khoảng 5-6m2 chơ vơ nép mình sát bờ trong khu Cảng Cái Rồng.
Chồng bà Na - ông Nguyễn Văn Tám trầm ngâm trong ngôi nhà bị bão đánh cho "tan cửa, nát nhà". Cơn bão số 3 quét qua đã làm bay mất miếng tôn lợp trên "mái" khiến ngôi nhà huơ hoác, mọi đồ đạc trong nhà như giường, chiếu, đệm, màn đều ướt sạch. Ông bà dùng tạm mấy miếng bạt rách nhặt ở ven bờ che lại ban thờ cho đỡ bị dột.
Còn một khoảng trống khoảng 2 mét vuông hai vợ chồng tối nằm nơi nghỉ ngơi. "Nếu mưa to ướt hết sàn thì hai vợ chồng lại dậy mặc áo mưa ngồi bó gối cho đỡ lạnh", lời ông Tám nghẹn đắng và cho biết, các con của ông bà cũng không có điều kiện và cũng đang đi làm ăn xa.
Tại khu Cái Rồng, ông Tám làm nghề biển tự do, trông coi khu vực thủy sản hoặc phương tiện cho các ngư dân. "Tiền giờ còn đâu mà làm mái che, giờ có chỗ chui ra chui vào như này là tạm rồi. Cuộc sống ở khu này còn nhiều người khổ lắm, bão về lại càng khổ. Mong rằng các cấp chính quyền sớm quan tâm, ổn định lại cuộc sống của người dân...", ông Tám nói.
Khá hơn gia đình ông Tám và nhiều người ở khu bến Cảng là "có nơi tạm trú" nhờ nhà người thân trên đất liền. Nhưng bà Dương Thị Gái (khu 9, thị trấn Cái Rồng ) cũng "mắt trắng" 60 lồng nuôi cá biển, mỗi lồng khoảng 2 tấn cá thương phẩm sắp đến ngày bán. "Vậy mà mất trắng rồi, không còn dấu hiệu gì của bè nữa" - bà Gái nấc nghẹn.
"Như mọi năm mưa thuận gió hoà, đến cuối năm thu hoạch, có thể thu 4-5 tỷ đồng. Nhà tôi ở trên biển 20 năm nay, không có sổ đỏ nên chỉ vay được ngân hàng 100 triệu đồng, còn lại toàn vay lãi cao ở ngoài, hiện nay đã lên đến 1,8 tỷ đồng. Chỉ chờ ngày thu hoạch để trả công, trả nợ, nhưng giờ mất hết rồi" - người phụ nữ 60 tuổi dạn dày sương gió không nén nổi nước mắt.
Đến thăm, động viên chia sẻ với nhiều hộ gia đình ngư dân bị thiệt hại sau cơn bão số 3, ông Bùi Văn Hường - Chủ tịch UBND thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cũng không khỏi xúc động trước gia cảnh của các hộ dân. Theo ông, thiệt hại của ngư dân trên địa bàn là rất lớn, người dân hầu hết mắt trắng, có gia đình ước thiệt hại lên đến hơn 40 tỷ đồng.
"Hiện chính quyền địa phương đang rà soát thống kê những hộ dân trên địa bàn bị thiệt hại, sau đó sẽ có những kiến nghị, hỗ trợ kịp thời đến với bà con", Chủ tịch UBND thị trấn Cái Rồng cho hay.
Vân Đồn là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh Quảng Ninh, người dân sống nhờ biển, bám biển, làm giàu từ biển, tuy nhiên chỉ sau cơn bão số 3 (Yagi), toàn bộ diện tích nuôi trồng nhuyễn thể, ô lồng nuôi cá trên biển của người dân bị bão đánh tan. Nhiều gia đình cả đời mưu sinh từ biển, bỗng nhiên trắng tay chỉ sau vài tiếng bão số 3 quần thảo.
Qua thống kê sơ bộ, hầu hết diện tích đang nuôi trồng thủy sản của người dân Vân Đồn bị bão số 3 "xóa sổ", với tổng số 1.338 cơ sở bị thiệt hại.
Những giàn nuôi hàu của người dân vừa mới chuyển đổi sang vật liệu quy chuẩn HDPE đều bị sóng, gió đánh cuộn thành từng mảng trôi dạt trên biển vào các gành núi đá. Các ô lồng nuôi cá bị sóng đánh tan hoang, rách nát, gần như mất trắng vì cá bơi ra ngoài khơi. Các nhà bè trông coi khu vực nuôi trồng thủy sản bị bão đánh sập gần như toàn bộ, với nhiều trang thiết bị được đầu tư bên trong phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Nhiều tàu, thuyền làm phương tiện di chuyển trên biển để trông coi, chăn nuôi thủy sản bị sóng đánh chìm.
Tổng thiệt hại bước đầu ước tính trong nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận