YênBái - Để đảm bảo an toàn cho các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên và học sinh, ngành giáo dục – đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Yên Bái đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3.
Trường THPT Trạm Tấu rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên nhà trường và chặt bỏ cây có nguy cơ bị gẫy đổ, đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.
>> Sở GD&ĐT Yên Bái yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh trước siêu bão
Năm học 2024 - 2025 vừa bắt đầu được 1 ngày thì cả nước đã bắt đầu đối mặt với cơn bão lớn nhất trong vòng 30 năm nay. Năm học này, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải có 20 lớp với trên 800 học sinh, trong đó, có trên 600 học sinh bán trú. Nhà trường có 17 phòng học, trong đó có 9 phòng kiên cố, 8 phòng học bán kiên cố; 11 phòng bán trú 11, trong đó có 6 phòng kiên cố và 5 phòng bán kiên cố.
Ngay trong ngày khai giảng năm học mới, nhận được Công văn của huyện, của Phòng GD-ĐT về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (Yagi), nhà trường đã nhanh chóng tuyên truyền cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh về diễn biến và tính chất phức tạp của cơn bão số 3 để chủ động các biện pháp ứng phó.
Đồng thời, nhà trường kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, chủ động di dời tài sản, trang thiết bị để tránh ngập úng; không bố trí học sinh ở tại trường trong các ngày có ảnh hưởng của bão.
Nói về công tác chủ động ứng phó với cơn bão số 3, thầy giáo Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trường nhà trường cho biết: "Chúng tôi sẽ di dời toàn bộ bàn ghế, trang thiết bị dạy học gồm ti vi, tài liệu, sách vở… từ khu nhà lắp ghép 5 phòng học sang khu nhà lớp học 3 tầng; gia cố hệ thống cửa sổ, cửa ra vào. Đối với phòng ở học sinh bán trú mà có nguy cơ ngập úng, chúng tôi kê sát hệ thống giường tầng, dùng dây thép liên kết các giường cố định lại với nhau. Đồng thời, chuyển toàn bộ chăn chiếu, sách vở, đồ dùng cá nhân của học sinh sang tầng 2 nhà bán trú; kê kích kho gạo cao 1m để tránh nước ngập úng…”.
Còn tại Trường THPT Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, để đảm bảo an toàn cho 750 học sinh, thầy giáo Đỗ Thành Công – Hiệu trưởng nhà trường thông tin: "Chúng tôi đặc biệt lưu ý công tác thông tin, truyền thông, đảm bảo cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, học sinh và phụ huynh học sinh nắm được thông tin về nguy cơ gió giật mạnh, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét... để chủ động phòng tránh và ứng phó. Đồng thời, không cho học sinh ra sông, suối, các khu vực có thể xảy ra sạt lở và đặc biệt không cho học sinh về nhà trong những ngày mưa bão. Nhà trường cũng đã có phương án di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, sách vở đến nơi an toàn đảm bảo không hư hại, hỏng hóc, mất mát,. Cùng với đó, Trường cho chặt bỏ những cây cao có nguy cơ gẫy đổ...”.
Chủ động ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu sau bão, Phòng GD-ĐT huyện Trạm Tấu đã có công văn yêu cầu các trường học theo dõi chặt chẽ diễn biến của siêu bão, đặc biệt là hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ quét, ngâp lụt, sạt lở đất. Ông Bùi Thanh Tùng - Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Trạm Tấu cho biết: "Là địa phương vùng cao nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao. Do đó, để đảm bảo an toàn cho các nhà trường, giáo viên, nhân viên và học sinh, Phòng đã yêu cầu các nhà trường chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”, không tổ chức các cuộc họp chưa cấp bách, các sự kiện, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp để tập trung ứng phó với bão”.
Đến thời điểm này, huyện Văn Yên đã quyết định cho học sinh nghỉ học ngày 7/9/2024 (thứ Bảy) để đảm bảo an toàn. Cùng với đó, huyện chỉ đạo theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, chủ động xây dựng phương án ứng phó; kịp thời thông tin, cảnh báo cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về diễn biến của bão và hoàn lưu sau bão trên các phương tiện truyền thông của nhà trường và mạng xã hội; khuyến cáo mọi người hạn chế ra khỏi nhà khi có cảnh báo mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá.
Trước đó, trong Công văn số 1211 ngày 5/9/2024 của Sở GD-ĐT tỉnh đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định vùng có nguy cơ mất an toàn khi mưa bão, chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong khu vực có nguy cơ rủi ro cao (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc Sở trên địa bàn) cho học sinh nghỉ học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, học viên; chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ công tác phòng chống bão lũ tại các cơ sở giáo dục trên địa bản, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, tài sản.
Sở GD-ĐT cũng yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến của siêu bão, đặc biệt là hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất để bảo cáo địa phương, quyết định việc cho học sinh, học viên đến lớp hoặc nghỉ học; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", xây dựng phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn về người, tài sản và công trình. Đồng thời, lên phương án và kịp thời di dời tài sản, máy móc, thiết bị, hồ sơ, sách vở, bàn ghế, lương thực, thực phẩm đến nơi an toàn, đặc biệt là những trường, điểm trường nằm trong khu vực có nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở…
Với tinh thần chủ động, sẵn sàng, ngành GD-ĐT tỉnh Yên Bái đang tiến hành đồng bộ các mặt công tác để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ, giáo viên và học sinh các nhà trường trên địa bàn tỉnh trước siêu bão số 3 – cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Thanh Chi
Tags Yên Bái giáo dục cơn bão số 3 Yagi học sinh
Đăng thảo luận