Nghỉ công việc giảng viên, "trả học phí" để biến thứ bỏ đi thành tiền tỷ
(Dân trí) - Vốn quan tâm tới các vật dụng thân thiện với môi trường, một cựu giảng viên ở Đà Nẵng đã quyết định khởi nghiệp với các sản phẩm làm từ xơ mướp và xuất sang một số nước châu Âu.
Tốt nghiệp ngành xây dựng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chị Võ Thị Ngọc Thư (40 tuổi) có nhiều năm công tác tại Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Đà Nẵng. Trong thời gian đi dạy, chị đã ấp ủ ý tưởng làm ra sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo giá trị cho địa phương.
Trong một lần đi siêu thị, chị Thư thấy có bán các sản phẩm miếng rửa chén, bông tắm từ xơ mướp. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ thì các sản phẩm này lại có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Chị Võ Thị Ngọc Thư bên cạnh các sản phẩm làm từ xơ mướp thân thiện với môi trường (Ảnh: Hoài Sơn).
"Ở mình cũng có xơ mướp, tại sao mình lại bỏ phí?", chị Thư nghĩ và quyết định tìm hiểu về thứ từng được người nông dân bỏ đi này.
Chị Thư cho hay, từ xưa, xơ mướp đã được ông bà ta sử dụng. Đặc trưng của xơ mướp là dai, nhanh khô, hút dầu mỡ, không ám mùi, mềm, ít gây xước da nên rất phù hợp để làm các vật dụng nhà bếp và nhà tắm.
Thấy cơ hội tạo ra những sản phẩm xơ mướp "made in Việt Nam", năm 2022, chị Thư quyết định nghỉ công việc giảng dạy ở trường để tập trung thời gian vào nghiên cứu công dụng và các sản phẩm làm từ xơ mướp.
Ban đầu, chị kết nối với nông dân ở huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) để tạo nguồn nguyên liệu cho sản phẩm. Giai đoạn đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn do giống mướp không đáp ứng yêu cầu để làm xơ.
Để có được sản phẩm ưng ý, chị Thư phải mất hơn 1 năm tìm tòi và đóng gần 200 triệu đồng tiền "học phí" để nghiên cứu cách trồng mướp nhằm đào tạo lại cho nông dân.
Trung bình mỗi tháng các vùng sản xuất cung cấp khoảng 5.000 quả mướp xơ để chị Thư gia công (Ảnh: Hoài Sơn).
Không những thế, trong thời gian gieo trồng, chị Thư luôn bám sát từng quy trình của người nông dân để đảm bảo cây mướp sinh trưởng tốt.
Xơ mướp đạt tiêu chuẩn, quả cần được thu hoạch sau 3,5 tháng, với yêu cầu phải to, thẳng, xơ dày, trắng và không bị ong chích. Trung bình mỗi tháng, các vùng sản xuất cung cấp khoảng 5.000 quả mướp để xưởng sản xuất của chị Thư gia công.
Hiện chị Thư đã thành lập công ty và cho ra đời hơn 20 dòng sản phẩm làm từ xơ mướp được chia thành 4 bộ, gồm: sản phẩm nhà bếp, nhà tắm, thời trang và trang trí nhà cửa.
Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị bán ra hơn 5.000 sản phẩm, doanh thu đạt hơn 100 triệu đồng/tháng. Với doanh thu này, hiện công ty của chị Thư mới dừng lại ở mức hòa vốn.
Sản phẩm của chị Thư chủ yếu phân phối cho các khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng và gian hàng quà tặng tại các điểm du lịch. Ngoài ra, sản phẩm của chị còn được bán trên các trang thương mại điện tử đến các thị trường Hoa Kỳ, Canada, Úc và một số nước châu Âu…
Theo chị Thư, thị trường nước ngoài có tiêu chuẩn cao về môi trường nên rất ưa chuộng sản phẩm thủ công từ xơ mướp. Vì thế, chị mạnh dạn đầu tư để đưa xơ mướp xuất khẩu.
Các sản phẩm được làm từ xơ mướp chủ yếu là những vật dụng nhà bếp và nhà tắm (Ảnh: Hoài Sơn).
Xưởng sản xuất của chị Thư đã tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, 3 lao động thời vụ với thu nhập 3-5 triệu đồng và 10 hộ nông dân tại các vùng trồng.
Tháng 6 vừa qua, dự án dự án "Xơ mướp Mộc Xơ" của chị Thư đã đạt giải Nhất cuộc thi ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tổ chức.
Đến tháng 8, dự án này tiếp tục đạt giải Nhì cuộc thi ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức.
"Trong thời gian tới, tôi dự định mở rộng nhà xưởng, nguồn nguyên liệu và đầu tư thêm máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó tôi cũng tập trung hoàn thành chứng nhận OCOP để đưa sản phẩm xơ mướp tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường", chị Thư thổ lộ.
Đăng thảo luận