'Bom chân không' hay bom nhiệt áp gây tranh cãi vì chúng có sức tàn phá lớn và có tác động khủng khiếp đến bất kỳ ai nằm trong bán kính vụ nổ.
Một vụ nổ bom nhiệt áp trong cuộc tập trận chiến lược Caucasus năm 2016 của Nga - Ảnh: TASS
Hôm 16-3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng nước này đã thực hiện "cuộc tấn công chính xác" từ trên không nhằm vào địa điểm triển khai của nhóm Kraken (đơn vị đặc nhiệm của Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine) và tiêu diệt tới 300 binh sĩ. Họ đã dùng một quả bom nhiệt áp ODAB-1500 trong vụ tấn công này, theo Hãng tin Tass.
Bom 'chân không' Nga dùng diệt 300 đặc nhiệm Ukraine mạnh cỡ nào?
Vũ khí nhiệt áp (thermobaric weapon) còn gọi là bom chân không (vacuum bomb) hoặc bom khí dung. Từ thermobaric (nhiệt áp) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, ý chỉ nhiệt và áp suất.
Theo Đài BBC, vũ khí nhiệt áp gây tranh cãi vì chúng có sức tàn phá lớn hơn nhiều so với các loại vũ khí sử dụng chất nổ thông thường và có tác động khủng khiếp đến bất kỳ ai nằm trong bán kính vụ nổ.
Vũ khí nhiệt áp hoạt động theo nguyên lý phát tán hỗn hợp chất nổ đặc biệt thành "đám mây" bao phủ mục tiêu, sau đó kích hoạt đám mây để tạo vụ nổ. Đám mây bị đốt cháy với tốc độ rất nhanh sẽ làm không khí giãn nở đột ngột, tạo môi trường chân không và nhiệt độ cao xung quanh tâm nổ.
Loại vũ khí này được phóng dưới dạng rocket hoặc thả dưới dạng bom từ máy bay. Nó hoạt động với hai giai đoạn.
Giai đoạn 1: Khi đã tiếp cận mục tiêu, bom chân không giải phóng một "đám mây" lớn vật liệu dễ cháy (thường là nhiên liệu hoặc các hạt kim loại nhỏ).
"Đám mây" này phân tán rộng, có thể xâm nhập qua bất kỳ lỗ hở nào của tòa nhà hoặc công trình phòng thủ không được đóng kín.
Giai đoạn hai: "Đám mây" được kích nổ để tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ, một làn sóng xung kích, và tạo môi trường chân không (hút hết oxy xung quanh). Loại vũ khí này có thể phá hủy các tòa nhà kiên cố, thiết bị, và gây thương vong cho con người.
Cách thức vũ khí nhiệt áp hoạt động: 1. Bom dẫn đường chính xác tấn công mục tiêu; 2. Vụ nổ nhỏ giải phóng một "đám mây" chất nổ; 3. Vụ nổ thứ hai kích nổ "đám mây", gây ra vụ nổ lớn - Đồ họa: BBC
Do sức tàn phá và khả năng tấn công các mục tiêu trốn trong các tòa nhà hoặc boongke, vũ khí nhiệt áp chủ yếu được sử dụng trong môi trường đô thị.
Ông David Johnson, đại tá Lục quân Mỹ đã về hưu và là nhà nghiên cứu tại Rand Corporation, nhận định: "Đây là loại vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp. Hãy tưởng tượng vũ khí này được đưa vào một không gian kín thì không gì có thể tồn tại trong không gian đó. Nếu bạn không chết ngay lập tức thì áp lực sẽ làm vỡ nội tạng của bạn. Nó thực sự khủng khiếp".
Ông Johnson nói vũ khí này có thể gây chết chóc cho bất kỳ người nào ở gần. Nạn nhân có thể thiệt mạng do vụ nổ hoặc do sóng xung kích đi kèm và chân không, và có thể bị vỡ phổi.
Theo kênh NBC News, mặc dù vũ khí nhiệt áp có sức tàn phá lớn, hiện không có luật nào cấm sử dụng chúng trong chiến tranh. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí như vậy nhằm vào dân thường bị cấm theo các công ước quốc tế và có thể cấu thành tội ác chiến tranh. Các tổ chức phi chính phủ lên án rộng rãi vũ khí này.
"Cha", "mẹ" của các loại bom
Năm 2003, Mỹ thử nghiệm quả bom nặng 9.800kg được mệnh danh là "Mẹ của các loại bom" (Mother of all bombs - MOAB).
4 năm sau, Nga đã phát triển một loại bom tương tự là "Cha của các loại bom" (Father of all bombs - FOAB). Loại bom nhiệt áp mạnh này có sức công phá tương đương 44 tấn thuốc nổ TNT và mạnh hơn 4 lần MOAB. Đây cũng được coi là loại vũ khí thông thường (hay vũ khí phi hạt nhân) mạnh nhất trên thế giới.
Đăng thảo luận