Lăng kính lịch sử công nghệ
Được phóng tác theo quyển sách của Jacquie McNish và Sean Silcoff viết về lịch sử ngắn ngủi của chiếc điện thoại BlackBerry, đạo diễn sinh năm 1985 người Canada Matt Johnson khéo léo xây dựng nên một câu chuyện vừa cuốn hút, vừa đậm chất hài đen tối về sự thăng hoa và sụp đổ nhanh chóng của gã khổng lồ từng một thời là biểu tượng địa vị xã hội trong bộ phim BlackBerry (2023). Đây cũng là sự thêm thắt đầy thú vị vào bộ sưu tập những bộ phim thuộc thể loại tiểu sử về các thương hiệu lớn – một xu hướng mới của Hollywood những năm gần đây, bên cạnh Air (2023), Tetris (2023), Pinball (2022), House of Gucci (2021), và nổi bật nhất là The Social Network (2010) của David Fincher.
Mẫu thử nghiệm của BlackBerry dùng để gọi vốn đầu tư
Cốt truyện xoay quanh Mike Lazaridis (diễn viên Jay Baruchel) và Doug Fregin (do chính đạo diễn Matt Johnson thủ vai), hai kỹ sư tài năng nhưng kém tài ăn nói, đã tạo ra chiếc BlackBerry – thiết bị định hình kỷ nguyên đầu những năm 2000.
Dù sáng kiến này đã đưa công ty của họ là Research in Motion (RIM) trở thành kẻ tiên phong trong cách mạng công nghệ điện thoại di động, họ lại thiếu khả năng kinh doanh cần thiết trên thương trường để khai thác hết tiềm năng của sản phẩm.
Sự xuất hiện của doanh nhân đầy tham vọng và mưu mô Jim Balsillie (Glenn Howerton) đã biến BlackBerry thành hiện tượng toàn cầu, đưa chiếc điện thoại này trở thành biểu tượng của sự quý phái và chuyên nghiệp đến mức những người nổi tiếng hàng đầu thế giới, trong đó có Barack Obama, tin dùng vì sự đa dụng và bảo mật của nó. Tuy nhiên, chính những chiến lược tàn nhẫn và bất chính của Balsillie lại đẩy công ty đến bờ vực sụp đổ.
Tương tự những tác phẩm phim điện ảnh về mặt tối chốn thương trường như The Wolf of Wall Street hay phim truyền hình Succession, BlackBerry cũng khắc họa một thế giới đầy quyến rũ bởi tiềm năng vô hạn nhưng tàn nhẫn, nơi các nhân vật không ngần ngại sử dụng mọi thủ đoạn để leo lên đỉnh cao, để rồi nhìn đế chế ấy sụp đổ dưới chính tham vọng của mình.
Doanh nhân đầy tham vọng và mưu mô Jim Balsillie, một hình mẫu của “cá mập” trong giới doanh nhân
Mong manh mối quan hệ con người
Tựa như The Social Network – bộ phim kể về Mark Zuckerberg và sự khai sinh ra Facebook, BlackBerry không chỉ là một tác phẩm đơn thuần về công nghệ và kinh doanh mà còn đào sâu về phần người trong những thành công đó. Đoàn kết và tan rã, tin tưởng và phản bội, hay khuynh hướng tự hủy hoại bản thân là những yếu tố tạo nên một câu chuyện kinh doanh đầy cuốn hút và nhân tính.
Bản tính xấc xược và mưu mô không điểm dừng của Jim, sự kiêu ngạo và bám víu lấy thành công đang có của Mike mà bỏ qua sự phát triển từng ngày của công nghệ, và cảm giác bị bỏ rơi của Doug - một trong những người sáng lập nên RIM đã tạo nên một thứ công thức tự hủy kinh điển của mọi đế chế.
Linh hồn của bộ phim lẫn sản phẩm BlackBerry chủ yếu đến từ ba nhân vật chính, được Matt Johnson và biên kịch Matthew Miller đào sâu vào những bản tính trái nhau của họ. Mike Lazaridis với sự mong manh và cảm giác về sự diệt vong âm ỉ, là nhân vật cầu toàn đến mức ám ảnh đối với các thiết bị công nghệ, điều này trở thành thứ tài sản lớn nhất lẫn điểm yếu chí tử của anh.
Bị ám ảnh bởi cảm giác “click-click” từ bàn phím vật lý của BlackBerry, Mike trở nên tê liệt khi đối mặt với công nghệ màn hình cảm ứng mang tính cách mạng của iPhone. Sự từ chối thích nghi của anh, cũng như tình yêu dành cho bàn phím lỗi thời, cho thấy một hình mẫu con người trước những thay đổi tất yếu trong cuộc đời.
Bộ đôi công nghệ Mike Lazaridis (phải) và Doug Fregin (trái)
Doug Fregin là đồng sự của Mike từ những ngày đầu nhưng ngày càng bị gạt ra ngoài lề khi công ty đã đạt được chỗ đứng trên bản đồ thế giới. Doug là nhân vật hài hước, một “đứa trẻ to xác” có xu hướng tránh đối đầu với xung đột, mà chọn cách rút lui vào thế giới tưởng tượng; anh thích đội băng đô và chơi trò chơi điện tử hơn là đối mặt với áp lực ngày càng lớn của công nghệ.
Mike và Doug chính là hình mẫu của các nhà sáng lập công nghệ điển hình – những thiên tài gặp chứng khó giao tiếp với xã hội, trí óc họ luôn tràn đầy ý tưởng nhưng không có khả năng điều hướng hiện thực tàn khốc của giới kinh doanh.
Trái ngược hoàn toàn là Jim Balsilli, với sự nhập vai xuất sắc của ngôi sao người Mỹ Glenn Howerton. Balsillie là hình mẫu của “cá mập” trong giới doanh nhân, hiện thân của sự hung hăng và tự cao cần có để tồn tại giữa chốn thương trường khốc liệt.
Diễn xuất của Howerton đầy sức hút; với cái đầu cạo trọc, đôi mắt lạnh lùng, và nụ cười đầy mưu mô, anh mang đến cho vai diễn thứ chủ nghĩa thủ đoạn như của Machiavelli. Sự khao khát thành công và quyền lực không ngừng của Balsillie biến BlackBerry thành một đế chế toàn cầu, nhưng nó cũng đặt tiền đề cho sự sụp đổ ngoạn mục sau đó. Những bước đi táo bạo của con người này là cả phước lành lẫn lời nguyền, một nghịch lý tạo nên cốt lõi cho xung đột cốt truyện.
Điểm đặc biệt của phim BlackBerry nằm ở cấu trúc kể chuyện khác thường. Thay vì dõi theo từng giai đoạn, bộ phim chỉ tập trung vào hai thời điểm quan trọng: khởi đầu và kết thúc. Cách tiếp cận này tạo nên cảm giác rằng sự suy tàn của đế chế BlackBerry như thể đã được định trước, khi ngay từ đầu các nhân vật dần quên đi cốt lõi làm nên chính BlackBerry.
Các diễn viên Cary Elwes, Jay Baruchel, Glenn Howerton và Matt Johnson
(từ trái sang) tại LHP Quốc tế Berline 2023
Nửa sau của bộ phim diễn ra vào giữa những năm 2000 khi BlackBerry bắt đầu suy yếu, là lúc bi kịch thực sự diễn ra. Tuy nhiên sự cạnh tranh từ bên ngoài không phải là nguyên nhân chính. Bộ phim khám phá sự rối loạn nội bộ một cách điển hình. Đó là sự miễn cưỡng đổi mới của Mike, thái độ tự tin quá mức của Jim, và việc ngày càng thờ ơ xa cách của Doug.
BlackBerry là bộ phim khéo léo cân bằng giữa hài hước và bi kịch, kể câu chuyện về một phát minh đột phá thay đổi thế giới và những con người đầy khiếm khuyết đã để nó vuột khỏi tầm tay. Với kịch bản sắc sảo, những màn trình diễn đầy năng lượng, và cấu trúc sáng tạo, BlackBerry phản ánh sâu sắc về những đỉnh cao và vực thẳm của tham vọng trong thế giới công nghệ thay đổi nhanh chóng.
Trước khi có những iPhone và Samsung, thì BlackBerry từng chiếm tới 45% thị phần điện thoại di động thế giới trong thập niên đầu thế kỷ 21. Song, như ta đã quá quen thuộc với những bài học lịch sử thế giới, rằng triều đại nào cũng đến lúc lụi tàn, BlackBerry của Công ty công nghệ RIM cũng đã bị xóa sổ, trở về con số 0 tròn trĩnh...
Xem nhiềuVăn hóa
Lại một nghệ sĩ Khu dưỡng lão Thị Nghè qua đời
Văn hóa
Nghệ sĩ Nguyễn Phan Mạnh Duy qua đời ở tuổi 35
Văn hóa
Ngôi chùa hơn 800 năm tuổi ở Phú Thọ bị cháy rụi
Văn hóa
Nhà văn Hàn Quốc thắng giải Nobel bị đồng nghiệp chỉ trích ‘đáng xấu hổ’
Văn hóa
Đăng thảo luận