Chín năm tôi trầy trật kinh doanh, lợi nhuận thu về chưa chắc bằng người ngồi không ôm đất.
Đọc bài viết "Tôi nhụt chí làm ăn vì thua người ngồi không ôm đất", bản thân tôi rất đồng cảm với tâm trạng của tác giả Le Tuan. Tôi cũng đầu tư kinh doanh sản xuất từ năm 2015, từng trầy trật, vất vả đến bạc tóc, trải qua hai năm Covid-19 hoành hành, chịu cảnh doanh thu giảm, thua lỗ, nhưng tôi vẫn cố trả lương cho nhân viên của mình.
Thực ra, ban đầu, tôi dự định xuống tiền mua một mảnh đất để dành, nhưng nghĩ lại, tôi quay sang đầu tư kinh doanh. Bằng nỗ lực và ý chí vượt khó, ít nhất đến giờ tiền của tôi cũng tăng hơn trước một chút. Nhưng khổ nỗi là miếng đất mà trước đây tôi định mua giờ đã tăng giá hơn năm lần.
Chín năm qua, tôi đã tạo ra công việc cho nhiều lao động, đóng bảo hiểm xã hội, thuế các loại đầy đủ, lao tâm khổ tứ xoay tiền vốn, chống chọi với dịch bệnh, thường xuyên bị căng thẳng thần kinh. Nhưng sau tất cả, giờ nhìn lại, tôi được gì?
Tiền tôi kiếm được từ kinh doanh không bằng đà tăng của giá đất. Tôi cảm thấy chán nản thực sự, vì mình tạo ra giá trị bền vững cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhưng lợi nhuận chưa chắc bằng người ta găm vài mảnh đất chờ thời bán kiếm lời.
>> Ai sẽ mua lại đất làng 133 triệu một m2 sau đấu giá?
Tất nhiên, tôi không có ý kiến gì về việc một người không muốn (không có khả năng) kinh doanh, chọn giải pháp an toàn là mua bất động sản để dành. Cái tôi cảm thấy không ổn là biên lợi nhuận của ngành bất động sản tại Việt Nam đang cao hơn quá nhiều so với các ngành nghề khác.
Thông thường, một giải pháp kinh doanh ít rủi ro thì biên lợi nhuận sẽ thấp, giống như gửi tiết kiệm ở ngân hàng vậy, chỉ dưới 10% một năm thôi. Nếu bất động sản cũng chỉ tăng giá bình quân 5-10% mỗi năm thì chắc không ai nói gì. Nhưng nhà đất ở Việt Nam không những vừa an toàn, lại đạt siêu lợi nhuận, có khi tăng đến hai, ba lần chỉ trong một, hai năm. Thế thì ai muốn đầu tư vào kinh doanh các ngành nghề khác đây?
Bản thân tôi ngoài đất làm xưởng sản xuất, tôi cũng có xây phòng trọ cho thuê. Thực tế, đất của tôi vẫn tăng giá đều đặn, nhưng nói thật tôi chỉ mong nó tăng vừa phải. Chứ giá đất tăng quá nóng như hiện nay, cá nhân tôi có thể có lợi, nhưng nó lại hoàn toàn không tốt cho nền kinh tế. Bởi vì khi muốn mở rộng kinh doanh, chi phí cho mặt bằng quá lớn, khó mà có lãi được, nên không ai dám làm.
Các nước tiên tiến họ đánh thuế bất động sản cao là một phần muốn người dân phải suy nghĩ, sáng tạo, đầu tư vào các kênh khác có lợi hơn cho nền kinh tế chứ không chỉ chăm chăm ôm đất kiếm lời. Làm cái gì cũng không bằng buôn đất thì ai sẽ phát triển sản xuất kinh doanh, nên cần có sự điều tiết của nhà nước để hướng dòng tiền vào các ngành nghề khác.
- Ai hưởng lợi khi đất TP HCM tăng giá 50 lần theo bảng giá mới?
- 'Nhà đất ngáo giá vì tâm lý FOMO'
- 'Mua đất vùng ven Hà Nội, chờ lên giá hết nửa đời người'
- Mặc cả 'gãy lưỡi' căn nhà 10 tỷ ở Sài Gòn
- 'Để thị trường quyết định giá bất động sản'
- 'Có ba nhà Sài Gòn vì không ngồi chờ giá đất giảm'
Đăng thảo luận