Là doanh nhân trẻ lăn lộn trong ngành thời trang Việt, bà Nguyễn Thùy Linh Cát, sáng lập thương hiệu CATSA, chia sẻ với Tuổi Trẻ đã phải đóng 22 cửa hàng vì không muốn cuốn vào cuộc cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc.

'Lý do tôi phải đóng 22 cửa hàng và khai tử thương hiệu'  第1张

Người dân mua sắm tại cửa hàng của CATSA trước khi chuỗi thời trang này đóng cửa vào tháng 8-2024 - Ảnh: L.C.

Bản thân tôi đã phải chuyển hướng kinh doanh, nhiều bạn bè cũng sụt giảm doanh thu trầm trọng trước cơn lốc hàng Trung Quốc qua các nền tảng thương mại điện tử Lazada, TikTok Shop và mới đây là cuộc đổ bộ của Temu, Shein, Taobao với sự tiếp sức từ nền tảng giao hàng xuyên biên giới.

Ngộp thở trước sức ép hàng Trung Quốc

'Lý do tôi phải đóng 22 cửa hàng và khai tử thương hiệu'  第2张

Bà Nguyễn Thùy Linh Cát

Bước chân vào ngành thời trang Việt, tôi cố gắng gầy dựng một thương hiệu thời trang giá cả phải chăng cho giới trẻ Việt và đã được người tiêu dùng đón nhận. Suốt 13 năm gắn bó với thương hiệu CATSA, tôi đã mở đến hàng chục cửa hàng thời trang tại TP.HCM, doanh thu lên đến cả trăm tỉ đồng/năm nhưng tháng 8 vừa qua tôi đã phải ra quyết định đóng cửa, khai tử thương hiệu này.

Có nhiều thương hiệu khác cũng đóng cửa, không ít doanh nghiệp "ngộp thở" và những người bạn bè kinh doanh ngành thời trang cũng đều than nếu tình hình này cứ kéo dài thì ngày đóng cửa cũng không xa.

Bức tranh kinh doanh chung của ngành thời trang là sụt giảm trầm trọng doanh số, bên cạnh lý do về người dân giảm chi tiêu, còn có một lý do rất quan trọng là xu hướng dịch chuyển hành vi mua sắm sang mua hàng online, đặc biệt là từ các sàn thương mại đến từ Trung Quốc và cơn lốc hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam.

Gần đây, tôi liên tục được quảng cáo về sàn thương mại điện tử Temu, sau Temu sẽ có nhiều sàn thương mại điện tử lớn khác như Shein, Taobao đổ bộ vào thị trường Việt Nam với "mỏ vàng" hơn 100 triệu dân đang có xu hướng mua sắm online nhiều hơn.

Từ khi có TikTok Shop, cuộc cạnh tranh diễn ra khốc liệt hơn khi các doanh nghiệp tung deal, giảm giá trên livestream. Nhà bán hàng muốn sống sót buộc phải cạnh tranh về giá, hạ giá đến mức tối đa để cạnh tranh lẫn nhau, thậm chí cạnh tranh với xưởng sản xuất, cạnh tranh với hàng ngoại mà ở đây chủ yếu là hàng Trung Quốc.

Doanh nghiệp phải tìm đường "cắt máu" để tồn tại, giảm các chi phí, tối ưu hết mức nhưng cũng không hề dễ dàng. Đã vậy, hàng hóa giá rẻ vận chuyển thẳng từ Trung Quốc sang Việt Nam chỉ 2 - 3 ngày, ở đâu cũng giao, thậm chí rất nhiều đơn hàng 0 đồng, không tính phí vận chuyển khiến cuộc đua kinh doanh của doanh nghiệp Việt thêm gập ghềnh dù ai cũng gồng mình lên để cạnh tranh.

Khó cạnh tranh vì tương quan chênh lệch lớn

Tôi đã rất nhiều lần đến Trung Quốc, trực tiếp đi tìm hiểu nhiều nhà xưởng để thấy rằng "bí quyết" để có hàng giá rẻ của họ là phải sản xuất số lượng lớn, họ là kho nguyên liệu của thế giới trong ngành thời trang, là nơi sản xuất các máy móc cho ngành may mặc nên giá thành sẽ rẻ. 

Chưa kể, chi phí nhân công thấp và điều kiện sản xuất, xử lý môi trường, nước thải, hóa chất... nhiều nơi chưa đảm bảo cũng là yếu tố giúp hàng hóa Trung Quốc có giá mềm.

Ưu điểm đối với hàng Trung Quốc khi vào Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử như Taobao, Temu hay Shein là hàng sang thẳng tay người tiêu dùng không phải nộp thuế, thông qua hệ thống logistics phải nói là thần tốc do Chính phủ Trung Quốc trợ lực.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong ngành thời trang phải đối diện với nhiều rào cản, vừa phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, vừa phải chịu các loại thuế khiến khó rẻ được như hàng Trung Quốc. 

Đó chính là nguyên do khiến nhiều doanh nghiệp đã buộc phải lựa chọn con đường nhập hàng từ Trung Quốc để sau đó thay đổi nhãn mác, bán lại kiếm lời.

Nhưng giờ, nhập hàng bán lại như thế cũng chưa chắc có lời bởi cũng với món hàng đó đôi khi qua các nền tảng thương mại điện tử (kèm các chương trình khuyến mãi) giá vẫn rẻ hơn so với doanh nghiệp Việt bán hàng trực tiếp với chi phí nhân công, mặt bằng...

Tất nhiên vẫn có một bộ phận người Việt tin tưởng, lựa chọn hàng Việt, song nếu không có chính sách trợ lực một cách bài bản, 5 - 10 năm nữa hàng Việt chưa chắc đã có chỗ đứng trên sân nhà.

Thử tưởng tượng nếu hàng giá rẻ bên ngoài vào ồ ạt, logistics thuận lợi, người tiêu dùng trẻ quen với xu hướng xài hàng Trung Quốc thì sẽ là bài toán khó cho những doanh nghiệp khởi nghiệp Việt, thương hiệu Việt đi lên. Đó là chưa kể tiêu dùng ồ ạt hàng giá rẻ, người Việt sẽ quen với xu hướng dùng nhanh, thải ra lớn, gây hại môi trường. Đó mới là cạm bẫy cho ngành thời trang Việt.

Cuộc chiến giá rẻ rất tàn khốc, nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời khỏi thị trường, nhưng không phải không có lối thoát. Với sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự ủng hộ của người tiêu dùng và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tôi tin sản xuất Việt Nam sẽ tìm được con đường phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Cần có chính sách trợ lực cho doanh nghiệp Việt

Chính phủ cần có chiến lược trợ lực cho các doanh nghiệp sản xuất Việt trước nguy cơ bủa vây của hàng ngoại và cần có những cơ chế để kiểm soát chất lượng hàng ngoại, đảm bảo công bằng về thuế. Còn với doanh nghiệp Việt, theo tôi, cần nâng cao chất lượng, không chỉ cạnh tranh về giá mà cần tập trung vào xây dựng thương hiệu, mang đến giá trị khác biệt.

Đặc biệt là phải sản xuất bền vững, hướng đến sản xuất thân thiện môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế. Chính tôi đã phải chuyển hướng để tồn tại, không sa vào bán hàng đại trà trước cuộc cạnh tranh sinh tồn với hàng online mà hướng đến sản phẩm mang lại giá trị cho người tiêu dùng và xây dựng cộng đồng người tiêu dùng trung thành.