YênBái - Chứng kiến các doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi thiên tai, chúng ta không khỏi xót xa, bởi hệ thống máy móc, dây chuyền, nhà xưởng, nguyên liệu và cả sản phẩm bị ngập sâu trong nước, chìm trong bùn đất; chưa kể vùng nguyên liệu bị thiệt hại, các nguyên liệu mới nhập về cũng như nhiều hàng hóa bị hỏng không thể tái sử dụng.
Sau rất nhiều nỗ lực, xưởng sản xuất cột điện của Công ty cổ phần Hồng Nam đã hoạt động trở lại.
>> Doanh nghiệp Yên Bái khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất sau bão lũ
Báo cáo ban đầu cho thấy, hệ thống lưới điện Yên Bái ước thiệt hại trên 40 tỷ đồng; 14 thủy điện bị ảnh hưởng thiệt hại khoảng 113,13 tỷ đồng; các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ảnh hưởng chủ yếu do ngập nước, sạt lở đất, tập trung ở khu vực ven sông Hồng thiệt hại ước khoảng 151,33 tỷ đồng; lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản ước thiệt hại khoảng 54,5 tỷ đồng; thiệt hại của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại là 25,5 tỷ đồng.Các hợp tác xã nông nghiệp vốn không thuộc diện sung sức cũng thiệt hại hàng chục tỷ đồng; nhiều phòng giao dịch, cây ATM của các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân... cũng chìm trong lũ, nhà cửa ngập trong bùn đất, thiết bị hư hỏng nặng. Trong gian khó, các đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động, tích cực khắc phục hậu quả với mong muốn sớm trở lại hoạt động.
Ông Trần Ngọc Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Nam cho biết: "Bộ phận thi công xây dựng công trình điện đã tham gia ứng cứu, sửa chữa lưới điện ngay từ những ngày đầu. Riêng bộ phận sản xuất thiết bị chuyển tải điện vẫn chưa thể hoạt động. 18 ngày sau khi nước rút, hàng chục cán bộ công nhân vẫn phải miệt mài nạo vét bùn đất khu nhà xưởng, bãi hóa trường, sửa chữa máy móc thiết bị”.
Ông Phạm Ngọc Mai - cán bộ Công ty may Vina KNF (Trấn Yên) cho biết: "Công ty chúng tôi thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng; toàn bộ máy móc, thiết bị, nguyên liệu và thành phẩm đã chìm trong lũ. Công ty đang rất nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, phấn đấu đến đầu tháng 11 sẽ hoạt động trở lại”…
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp chưa thể hoạt động đúng với công suất, nhiều doanh nghiệp khác chỉ sản xuất cầm chừng, vô số doanh nghiệp khác chưa biết hẹn ngày gọi công nhân trở lại làm việc. Lãnh đạo một số doanh nghiệp ở Trấn Yên, thành phố Yên Bái nói với phóng viên: "Công ty chúng tôi không bị ngập nước hay sạt lở đất nhưng nguyên liệu đã không còn và chưa thể mua thêm, đồng nghĩa với việc… tiếp tục ngưng sản xuất”…
Đứng trước những khó khăn, mất mát của các doanh nghiệp, chiều ngày 26/9, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn do bão số 3. Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh Yên Bái tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về các thủ tục giấy tờ liên quan đến thuế, hải quan, phương án xử lý các sản phẩm xuất khẩu bị ảnh hưởng; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái thiết sản xuất cũng như chính sách an sinh xã hội của người lao động. Các doanh nghiệp đề nghị tỉnh chỉ đạo, có các biện pháp, chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ.
Đề nghị tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.
Chia sẻ, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi thiên tai đã và sẽ được tỉnh Yên Bái coi là một trong những ưu tiên hàng đầu. Lãnh đạo tỉnh khẳng định luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ bằng những hành động cụ thể vì sự phát triển chung của tỉnh, của cộng đồng doanh nghiệp…
Khó khăn còn như núi trước mắt nhưng trong đau thương, trong mất mát chúng ta vẫn nhìn thấy sự gắng gượng, lòng quyết tâm vực dậy và vươn lên. Trong đó, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã, đang và sẽ thể hiện tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của mình để khôi phục sản xuất kinh doanh, làm ra của cải vật chất, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp tiền thuế cho đất nước.
Lê Phiên
Tags Yên Bái bão số 3 Công ty may Vina KNF
Đăng thảo luận