Một khu rừng cổ đại hóa thạch xuất hiện trên bãi biển Badger ở Tasmania, dấy lên tranh cãi về nguồn gốc và tầm quan trọng của nó.
Tàn tích của khu rừng cổ đại hóa thạch. Ảnh: PWS/Barbara Alsop
Cơ quan Công viên và Động vật hoang dã Tasmania (PWS) chia sẻ ảnh chụp khu rừng cổ đại phát lộ sau trận bão gần đây, nằm ở bãi biển Badger trong vườn quốc gia Narawntapu, Interesting Engineering hôm 8/10 đưa tin. Tuy sự kiện rất hiếm gặp và thủy triều sẽ nhanh chóng chôn vùi khu rừng dưới lớp cát, cảnh tượng vẫn thu hút nhiều sự quan tâm về loại cây mọc trong rừng và chúng thuộc kiểu hóa thạch nào.
Trong ảnh chụp do PWS đăng trên Facebook, tàn tích của khu rừng trông như tảo chất đống khi nhìn từ xa, thực chất đó là vỏ cây nhô lên qua lớp cát. Vỏ cây nguyên vẹn hòa lẫn với đá là một phần của khu rừng có từ kỷ Băng hà, có nghĩa những cây cổ đại này đã hàng chục nghìn năm tuổi. Tuy một số người cho rằng đây là khu rừng hóa đá, một số chuyên gia không đồng ý. Họ suy đoán dù ở dạng hóa thạch, khu rừng vẫn nguyên vẹn và gần với trạng thái tự nhiên hơn.
PWS nhận định khu rừng phát lộ có cả dấu vết hóa đá và nguyên vẹn. Trong cả hai trường hợp, tình trạng thiếu oxy khiến gỗ phân hủy. Tuy nhiên, ở trường hợp hóa đá, vật liệu hữu cơ biến thành đá. Theo PWS, khu rừng có niên đại khoảng 40.000 năm. Nhiều khả năng đó là rừng cây tràm trà cổ đại.
Hồi tháng 3/2024, các nhà nghiên cứu tìm thấy một khu rừng hóa thạch có nhiều cây thấp giống cọ tồn tại vào giữa kỷ Devon cách đây 390 triệu năm ở khu vực ngày nay là vùng tây nam nước Anh. Khu rừng này tồn tại lâu hơn so với khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, Mỹ với niên đại 386 triệu năm.
Nổi tiếng với những cánh đồng rộng, khu vực thạch nam ven biển, đồng cỏ và nhiều động vật có túi như kangaroo, vườn quốc gia Narawntapu thu hút 62.000 du khách ghé thăm mỗi năm.
An Khang (Theo Interesting Engineering)
Đăng thảo luận