Chuyện phân biệt đối xử khi khen thưởng theo mức đóng góp tiền ủng hộ đồng bào bão lũ của học sinh tại một trường học dấy lên nhiều tranh cãi. Vậy khen thưởng sao cho phù hợp?
Minh họa: DAD
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, sau đợt vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3, sáng 23-9, Trường tiểu học Lê Quý Đôn, quận Gò Vấp, TP.HCM đã trao giấy khen để động viên học sinh tích cực tham gia phong trào trên.
Theo đó, những học sinh ủng hộ số tiền trên 100.000 đồng sẽ được nhận giấy khen từ nhà trường do hiệu trưởng ký, những học sinh có số tiền ủng hộ ít hơn 100.000 đồng thì nhận được thư khen từ... cô chủ nhiệm.
Phân biệt đối xử khi khen học sinh ủng hộ đồng bào miền Bắc, gây bất bình: Trường nói gì?
Việc khen thưởng có tính phân biệt đối xử giữa học sinh đóng góp nhiều và ít đã tạo ra luồng ý kiến bất bình trong phụ huynh cũng như dư luận.
Góp thêm góp nhìn, tiến sĩ Nguyễn Văn Công - giảng viên tâm lý Trường ĐH Nguyễn Huệ (Đồng Nai) đã có bài chia sẻ.
Ý tưởng hay, nhưng vì sao bị phản ứng?
Trong thời điểm cả nước hướng về đồng bào miền Bắc bị lũ lụt để lại hậu quả lớn về người và tài sản, việc ủng hộ chia sẻ là việc làm cần thiết, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Đây là ý tưởng hay.
Tuy nhiên, hành động khen thưởng của Trường tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, TP.HCM) khi khen học sinh ủng hộ đồng bào miền Bắc từ 100.000 đồng trở lên bằng giấy khen do hiệu trưởng ký, và dưới mức này chỉ được thư khen do giáo viên chủ nhiệm ký đã gây hiệu ứng trái chiều.
Ở góc nhìn xã hội, việc khen thưởng trên ít nhiều ảnh hưởng đến giá trị của tinh thần tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi, tự nguyện quyên góp của học sinh, chưa kể có thể gây ấm ức và đôi chút ghen tị giữa các học sinh cũng như sự không hài lòng của phụ huynh...
Đặc biệt, một số học sinh ngây thơ có hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ cảm thấy tổn thương và cho rằng có tiền nhiều mới được nhà trường tặng giấy khen. Từ đó hụt hẫng, giảm lòng tin vào giáo viên, nhất là cấp lãnh đạo nhà trường.
Ủng hộ tiền hay tinh thần đều có giá trị
Từ vụ việc này, tôi có một vài gợi ý, hy vọng chia sẻ phần nào với các đồng nghiệp và bạn đọc.
Trước hết, việc quyên góp ủng hộ của học sinh là hoạt động tự nguyện, không bắt buộc, nên việc ủng hộ bao nhiêu, số tiền như thế nào, bằng hiện vật hoặc đơn giản là sự sẻ chia tinh thần đều có giá trị.
Kế đến, học sinh tiểu học hiểu vấn đề rất cụ thể, cảm tính và dễ bị tổn thương. Nhà trường luôn hướng đến sự công bằng cho tất cả học sinh, nên nếu một hành động nào đó thiếu sự cân nhắc thấu đáo sẽ tác động không tích cực đến tâm hồn non nớt, dễ mất niềm tin của trẻ.
Đây là lứa tuổi dễ nhạy cảm, dễ nảy sinh tâm lý so sánh, do vậy các hoạt động thiện nguyện phải được tổ chức khéo léo và đặc biệt là phải rất... tâm lý.
Có như vậy mới kêu gọi được sự ủng hộ về vật chất (tiền mặt hoặc hiện vật), vừa mang lại giá trị của sự lan tỏa, hướng cho các em sẵn sàng thực hiện một cách tự giác, tự nguyện.
Chỉ xuất phát từ lòng trắc ẩn, đồng cảm của bản thân với những mảnh đời nghèo khổ, gặp hoạn nạn... người "cho" và "nhận" mới cảm thấy nhẹ nhàng.
Ở góc độ nhà trường, nhà giáo dục phải luôn lưu tâm, trong quá trình giáo dục, việc khen ngợi trẻ con phải luôn hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ của trẻ.
3 việc cần làm ngay của Trường tiểu học Lê Quý Đôn
Theo tôi, để giải quyết qua vụ việc, xoa dịu tâm lý của phụ huynh và các em học sinh, ban giám hiệu nhà trường cần mạnh dạn thực hiện 3 việc sau đây:
1. Xin lỗi học sinh trước toàn trường ngày chào cờ.
2. Xin lỗi phụ huynh học sinh.
3. Nếu được thì nên thu hồi các giấy khen đã phát. Chỉ cần tuyên dương tập thể lớp là ổn nhất.
Thấy được cái sai và bằng những hành động cụ thể, kịp thời để sửa sai cũng là cách giáo dục học sinh.
Bạn đọc Minh Tuan
Đăng thảo luận
2024-10-18 19:24:56 · 来自210.47.70.195回复
2024-11-03 12:45:13 · 来自106.89.129.233回复