Hàn Quốc chứng kiến sự gia tăng những người ra đi trong cô độc, đáng chú ý với hơn 84% trong số này là nam giới, đặc biệt ở độ tuổi trung niên.

Hàn Quốc: Hơn 84% số người chết cô độc là nam giới  第1张

Trong số các nạn nhân ra đi trong cô độc và không được phát hiện ở Hàn Quốc, hơn 84% là nam giới - Ảnh: THE INDEPENDENT

Ở Hàn Quốc, thuật ngữ kodoksa được sử dụng để chỉ những người chết trong cô độc và không được phát hiện trong thời gian dài.

Ngày 17-10, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã công bố báo cáo sau sáu tháng nghiên cứu về hiện tượng này, cho thấy lượng người chết cô độc ở quốc gia này vào năm 2023 là 3.661 người, tăng nhẹ so với con số 3.559 vào năm trước đó.

Đáng chú ý, trong số các nạn nhân được xác định, có tới 84,1% là nam giới, trong khi nữ giới chỉ chiếm 15,9%.

Chia sẻ với trang Korea Times, các chuyên gia cho biết so với phụ nữ, đàn ông thường trải qua nỗi cô lập sâu sắc hơn sau khi thất nghiệp.

“Rất nhiều trong số những người trải qua cái chết một mình đã mất việc. Với hầu hết nam giới, thất nghiệp nghĩa là mất đi nhiều mối quan hệ xã hội gắn với công việc.

Đồng thời nếu so sánh với những người phụ nữ sống một mình, đàn ông có nhiều nguy cơ vướng vào những thói quen không lành mạnh - như bỏ bữa và uống rượu. Điều này cũng tăng nguy cơ họ tử vong”, bà Kim Eun Ha, giám đốc tại trung tâm nghiên cứu chuyên ngăn chặn các trường hợp kodoska, cho biết.

Theo ông Cho Hong Young - giám đốc quan hệ công chúng tại Viện Phát triển lực lượng lao động Hàn Quốc dành cho người cao tuổi, báo cáo cho thấy tầm quan trọng của việc hỗ trợ việc làm cho những người sống một mình.

  • Phía sau Seoul lung linh có ‘những cái chết cô độc’

“Rất nhiều người đàn ông lớn tuổi tham gia các chương trình của chúng tôi cho biết điều họ cảm thấy tuyệt vời nhất khi có việc làm là cảm giác được thuộc về”, ông nói.

Đặc biệt, những người trong độ tuổi từ 50 đến 60 có nhiều nguy cơ ra đi trong cô độc nhất, khi báo cáo ghi nhận hơn 61% những người trong độ tuổi này.

Các chuyên gia lý giải nguyên nhân do các chính sách và phúc lợi của chính phủ dành cho người cao tuổi thường tập trung ở đối tượng từ 65 tuổi trở lên.

Do đó đây cũng là dấu hiệu cho thấy chính phủ cần lấp đầy khoảng trống dịch vụ cho những người ở nhóm tuổi này.

Trước đó năm 2020, Quốc hội nước này đã thông qua các điều luật nhằm ngăn chặn và kiểm soát các ca kodoksa, với các biện pháp hỗ trợ với sự hợp tác từ cơ quan địa phương.

Trong số các ca tử vong tại Hàn Quốc vào năm ngoái, tỉ lệ tự tử cũng tăng lên 14,1%, so với con số 13,9% vào năm 2022.


Báo cáo được công bố trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải trải qua sự thay đổi nhân khẩu học đáng kể, khi trở thành một xã hội ưu tiên lối sống độc thân và chứng kiến già hóa dân số.


Một dữ liệu khác được chính phủ công bố hôm 16-10 cũng tiết lộ 32,8% những người 65 tuổi trở lên sống một mình, mức tăng đáng kể so với tỉ lệ 19,8% vào năm 2020.


Hàn Quốc được dự đoán sẽ trở thành quốc gia siêu già vào năm tới, khi hơn 20% dân số nước này nằm trong độ tuổi từ 65 trở lên. Đến năm 2052, tỉ lệ này thậm chí sẽ lên đến 50,6%.